Indonesia chuẩn bị gia nhập nhóm nước thu nhập trên trung bình?

Với thu nhập bình quân đầu người ở mức 3.846 USD hồi năm 2017, Indonesia đang tiến gần đến nhóm quốc gia có thu nhập trên trung bình (UMIC) và dự kiến sẽ gia nhập nhóm này trong vòng 5 năm tới.
Indonesia chuẩn bị gia nhập nhóm nước thu nhập trên trung bình? ảnh 1Toàn cảnh Jakarta, Indonesia, ngày 2/4/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề "Indonesia sẽ gia nhập nhóm nước thu nhập trên trung bình," nội dung như sau:

Ngân hàng Thế giới (WB) phân chia nền kinh tế của các quốc gia thành bốn nhóm thu nhập: cao, trên trung bình, trung bình thấp và thấp.

Các quốc gia được phân loại có thu nhập trên trung bình là những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 3.896 USD đến 12.055 USD.

Với thu nhập bình quân đầu người ở mức 3.846 USD hồi năm 2017, Indonesia đang tiến gần đến nhóm quốc gia có thu nhập trên trung bình (UMIC) và dự kiến sẽ gia nhập nhóm này trong vòng 5 năm tới.

Thứ tự xếp hạng mới này sẽ là tín hiệu tốt để Indonesia nỗ lực.

Từ năm 1998 đến năm 2002, Indonesia đã ở nhóm thu nhập thấp (LIC). Năm 2003, Indonesia đã trở lại nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC).

[Indonesia sẽ thu hút hơn 7,7 tỷ USD vào ba đặc khu kinh tế mới]

Dự báo trên dường như có triển vọng tích cực. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, nền kinh tế Indonesia sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 20 năm nữa.

Tuy nhiên, dự báo cần phải được thực hiện với nhiều nỗ lực từ chính phủ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự tiến bộ và chất lượng của sự phát triển kinh tế chính là kết quả thu nhập bình quân trên đầu người và quy mô phát triển nền kinh tế của quốc gia.

Các quốc gia được coi là thu nhập trên trung bình phải là quốc gia có sự thay đổi cơ cấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đó thực sự được coi là bước đệm để nâng cấp lên vị trí cao hơn.

Hiện nay, đặc điểm kinh tế giữa các quốc gia trong nhóm UMIC khá đa dạng.

Mức chênh lệch về thu nhập đầu người giữa các nước lớn, như Costa Rica có thu nhập bình quân đầu người là 11.120 USD, trong khi đó Algeria chỉ ở mức 3.940 USD.

Rõ ràng là các vấn đề kinh tế, thu nhập của các quốc gia trong nhóm UMIC không đảm bảo tính ổn định.

Một số quốc gia đã ít nhất một lần rơi vào nhóm LMIC và LIC. Chẳng hạn, Angola đã không còn giữ vị trí trong nhóm UMIC hồi năm 2016.

Brazil đã ở trong nhóm UMIC 27 năm nhưng sau đó rơi xuống nhóm LMIC hồi năm 2002 và nhóm LIC hồi năm 2005.

Belarus đã chuyển từ nhóm UMIC xuống nhóm LMIC hồi năm 1994 trước khi trở lại nhóm UMIC hồi năm 2007 và chỉ vào nhóm thu nhập cao (HIC) đúng một năm (năm 2015).

Venezuela cũng chỉ có thể duy trì trong nhóm HIC một năm (năm 2014).

Tuy nhiên, cũng có một số nước thành công như Bahrain đã cố gắng trong phát triển kinh tế để từ nhóm UMIC lên nhóm HIC hồi năm 2001.

Chile cũng đã thành công khi là thành viên nhóm HIC hồi năm 2012.

Hàn Quốc trong những năm 50 có nền kinh tế tương tự như Indonesia, nhưng quốc gia này đã gia nhập nhóm HIC hồi năm 2001.

Đầu những năm 90, người ta cho rằng Indonesia, Malaysia và Thái Lan sẽ chuyển đổi thành công và gia nhập nhóm HIC với những cách thức đạt được khác nhau.

Giữa những năm 50 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ba nước có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới vì phần lớn thu nhập và sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng chính là nhờ đầu tư vào ngành sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.

Giai đoạn tăng trưởng này đã đi kèm với sự thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế.

Với sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sản phẩm xuất khẩu của ba nước rất ấn tượng, rất ít quốc gia trong khu vực châu Á chuyển đổi thành công được như vậy.

Indonesia chuẩn bị gia nhập nhóm nước thu nhập trên trung bình? ảnh 2Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán Indonesia sẽ trở thành một trong bảy cường quốc châu Á trong vài thập kỷ tới.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề quan trọng mà chính Indonesia phải tự giải quyết như thực tế hiện nay là sự chênh lệch giữa các khu vực rất lớn, cụ thể GDP bình quân đầu người ở Jakarta là 13.000 USD, hiện tương đương mức ở Ba Lan, nhưng ở Bắc Kalimantan là 6.700 USD, tương đương mức của Trung Quốc, trong khi Đông Nusa Tenggara chỉ có 950 USD, ngang với Campuchia.

Một vấn đề nữa là tỷ lệ nghèo ở các tỉnh Papua và Tây Papua gấp nhiều lần so với Java. Xu hướng chênh lệch giữa các đảo của Indonesia đã được nới rộng trong thập kỷ qua.

Do đó, việc giải quyết sự chênh lệch khoảng cách ở các địa phương là vấn đề mấu chốt để Indonesia gia nhập nhóm UMIC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục