Indonesia kêu gọi G20 giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Ngày 24/8, Indonesia đã kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR).
Indonesia kêu gọi G20 giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: News Nation)

Ngày 24/8, Indonesia đã kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR) vốn gây ra 1,27 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu khai mạc cuộc họp về xử lý AMR trong khuôn khổ hội nghị lần thứ ba Nhóm công tác y tế G20 diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Bali, Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono nhấn mạnh: “G20 cần có khả năng ngăn chặn điều này và tạo ra những thay đổi bền vững.”

Theo Thứ trưởng Dante, hội nghị tập trung thảo luận về 3 chiến lược của G20 nhằm giải quyết AMR, trong đó chiến lược đầu tiên là tăng cường giám sát để phát hiện tình trạng này, đồng thời tăng cường năng lực chẩn đoán và xét nghiệm.

Ông Dante khẳng định: “Giám sát liên ngành đối với việc sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh là rất quan trọng đối với việc kiểm soát AMR. Dữ liệu đầy đủ cũng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định và hành động chính sách dựa trên cơ sở khoa học ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.”

[Phát động chiến dịch kêu gọi sử dụng kháng sinh có trách nhiệm]

Chiến lược thứ 2 là tăng cường nghiên cứu và phát triển các loại thuốc, vaccine, liệu pháp điều trị và chẩn đoán mới, cũng như phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm trên diện rộng. Trong khi đó, chiến lược thứ 3 tăng cường đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Dante cho rằng trong nỗ lực thúc đẩy năng lực nghiên cứu và phát triển toàn cầu, các nước thành viên G20 cần đảm bảo nguồn tài trợ đủ và bền vững, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách và quy định nhất quán để đảm bảo việc tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các loại thuốc kháng vi khuẩn, từ đó ngăn ngừa và kiểm soát AMR.

Cũng theo Thứ trưởng Y tế Indonesia - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 năm 2022, giống như đại dịch COVID-19, AMR là mối đe dọa cần được ngăn chặn và hợp tác giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan, các chuyên gia y tế, các nhà khoa học và công chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục