Indonesia kêu gọi Mỹ đối xử công bằng với ngành xe điện

Trong tuyên bố ngày 4/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia bày tỏ lo ngại về việc loại trừ các khoáng sản quan trọng của Indonesia ra khỏi gói trợ cấp của Mỹ dành cho công nghệ xanh.
Indonesia kêu gọi Mỹ đối xử công bằng với ngành xe điện ảnh 1Trạm sạc xe điện mới trên đường Trans Sumatra (Indonesia). (Nguồn: The Tempo)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) Arsjad Rasjid đã kêu gọi Mỹ đối xử công bằng trong việc phân bổ trợ cấp xanh cho khoáng sản được sử dụng trong xe điện (EV).

Trong một tuyên bố ngày 4/4, ông Rasjid đã bày tỏ lo ngại về việc loại trừ các khoáng sản quan trọng của Indonesia ra khỏi gói trợ cấp của Mỹ dành cho các công nghệ xanh.

Ông Rasjid nhấn mạnh: “Indonesia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về EV và pin EV ở Mỹ. Indonesia chiếm tới 1/3 trữ lượng nickel - nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin EV - toàn cầu.”

Trong khi đó, chính phủ Mỹ sẽ ban hành một bộ hướng dẫn khấu trừ thuế nhằm vào EV và các nước sản xuất pin EV theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA) trị giá 370 tỷ USD dưới hình thức trợ cấp cho công nghệ năng lượng sạch.

Tuy nhiên, có những lo ngại về việc pin EV có chứa các nguyên liệu xuất xứ từ Indonesia không đáp ứng các yêu cầu khấu trừ thuế của IRA, do chưa có hiệp định thương mại tự do giữa Indonesia và Mỹ và sự thống trị của các công ty Trung Quốc trong ngành khai thác nickel ở quốc gia Đông Nam Á này.

[ASEAN cần 29.400 tỷ USD chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo]

Chủ tịch Kadin cho hay Indonesia hiện đang hợp tác với các công ty đa quốc gia để phát triển các chuỗi cung ứng nickel riêng biệt dành cho Trung Quốc và ngoài Trung Quốc.

Ông Rasjid khẳng định: “Indonesia là đối tác thân thiện với Trung Quốc và các nước phương Tây. Chúng tôi cung cấp các khoáng chất thiết yếu cho Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chúng tôi cam kết đảm bảo danh mục đầu tư toàn diện cho cả Trung Quốc và các nước khác trong lĩnh vực nickel với hy vọng thiết lập một hiệp định thương mại công bằng và cùng có lợi.”

Theo ông Rasjid, một số công ty - trong đó có LG, SK Group, Samsung và Hyundai - đã đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở Indonesia, đặc biệt nhằm phát triển ngành công nghiệp EV và pin EV. Các nhà đầu tư này được coi là hữu ích trong việc thúc đẩy các nỗ lực hạ nguồn của ngành công nghiệp nickel.

Ông Rasjid cũng kêu gọi Mỹ thừa nhận vai trò của Indonesia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là các đối tác bình đẳng trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Ông Rasjid bày tỏ tin tưởng rằng Indonesia và ASEAN là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, đồng thời lạc quan rằng Mỹ sẽ trao vị thế bình đẳng cho các thành viên IPEF trong các hiệp định thương mại tự do toàn diện với Washington.

Ông Rasjid nhấn mạnh: “Trên tinh thần hợp tác, chúng tôi hiện đang thảo luận về cơ hội cho IPEF. Nếu Mỹ loại ASEAN ra thì hoàn toàn không công bằng,” đồng thời kêu gọi cả Mỹ và EU đặt niềm tin vào Indonesia và các nước ASEAN khác trong việc phát triển ngành công nghiệp EV.

Khẳng định rằng Indonesia và các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng EV, ông Rasjid tin tưởng rằng khu vực này sẽ trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, EU và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục