Indonesia: Nhiều công nhân khai khoáng nguy cơ mất việc

KADIN cảnh báo nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản Indonesia, do ảnh hưởng của lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản thô.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) vừa cảnh báo chính phủ nước này về nguy cơ mất việc làm hàng loạt trong lĩnh vực khai thác khoảng sản, do ảnh hưởng của quyết định cấm xuất khẩu khoáng sản thô từ ngày 14/2 và tăng thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm khai mỏ đã qua chế biến.

Quan chức cấp cao KADIN phụ trách ngành công nghiệp khai mỏ, Didie W. Soewondho, nói rằng có thể có tới 100.000 người trong tổng số khoảng 400.000-600.000 người lao động trong ngành công nghiệp khai mỏ của Indonesia sẽ mất việc làm, do các công ty khai thác phải giảm hay đình chỉ sản xuất vì những khó khăn nêu trên.

Chính phủ Indonesia muốn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển thông qua việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô và từng bước nâng dần mức thuế đối với các sản phẩm khai mỏ bán thành phẩm xuất khẩu, từ 20% hiện nay lên 60% vào năm 2016, nhằm buộc các công ty khai thác xuất khẩu thành phẩm cuối cùng là các loại kim loại hay các sản phẩm cuối cùng của ngành hóa dầu vào năm 2017. Tuy nhiên, KADIN cho rằng mức thuế nói trên là quá cao, do tỷ suất lợi nhuận hiện nay của các nhà sản xuất khoáng sản chỉ vào khoảng 10-15% doanh thu, do vậy mức thuế xuất khẩu cần được áp dụng ở mức 5%.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri nhấn mạnh thuế xuất khẩu là một phần nỗ lực của chính phủ để đảm bảo các công ty khai thác khoáng sản sẽ không còn thất hứa với nghĩa vụ phải chế biến khoáng sản trong nước như đã quy định trong Luật Khoáng sản năm 2009. Kinh nghiệm cho thấy phải có áp lực thì các công ty khai thác khoáng sản trong nước mới chú ý đến việc đầu tư xây dựng các cơ sở luyện kim. Luật Khoáng sản năm 2009 đã dành một khoảng thời gian năm năm cho các công ty khai mỏ xây dựng nhà máy luyện kim hay nhà máy lọc dầu, và năm 2014 chính là thời hạn cuối cùng của quy định này.

Ông Chatib Basri lưu ý rằng thực tế trong năm năm qua, chỉ duy nhất một đơn vị là công ty quốc doanh PT Aneka Tambang đầu tư xây dựng cơ sở luyện nhôm để có thể đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2009.

Trong khi đó, theo Ủy ban Điều phối Đầu tư Quốc gia Indonesia (BKPM), để đảm bảo yêu cầu chế biến khoảng sản thô trong nước, ngành công nghiệp khai mỏ nước này cần một khoản vốn đầu tư lên tới 150.000 tỷ rupiah, tương đương 1/3 tổng mục tiêu đầu tư 450.000 tỷ rupiah năm 2014 của chính phủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục