Indonesia nỗ lực phục hồi và phát triển hệ ngôn ngữ các dân tộc

Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, việc phục hồi ngôn ngữ khu vực đã được thực hiện tại 157 huyện hoặc thành phố ở 13 tỉnh và 39 ngôn ngữ khu vực đã được hồi sinh.
Indonesia nỗ lực phục hồi và phát triển hệ ngôn ngữ các dân tộc ảnh 1Học sinh tại một trường tiểu học ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia (Kemendikbudristek) đã phối hợp với Bộ Nội vụ (Kemendagri) triển khai dự án phục hồi và phát triển hệ ngôn ngữ các dân tộc tại quốc gia này.

Ngày 9/3, Tổng thư ký Kemendikbudristek, bà Ir. Suharti, cho biết: “Indonesia là quốc gia đa dân tộc, văn hóa, nhưng một số nền văn hóa và ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất. Do đó, Bộ Giáo dục và Văn hóa thúc đẩy kế hoạch phục hồi, lưu giữ và phát triển hệ ngôn ngữ các dân tộc như một biện pháp để bảo tồn nền văn hóa đặc sắc cho thế hệ Indonesia sau này.”

Theo bà Suharti, nỗ lực phục hồi ngôn ngữ của Bộ Giáo dục và Văn hóa được cụ thể hóa bằng chương trình Học tập Merdeka, giới thiệu văn hóa, chữ viết các dân tộc vào giảng dạy và học tập ở các cấp từ năm 2022, với hy vọng giới trẻ sẽ có cách nhìn nhận và hiểu rõ hơn ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc tại Indonesia.

Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, việc phục hồi ngôn ngữ khu vực đã được thực hiện tại 157 huyện hoặc thành phố ở 13 tỉnh và 39 ngôn ngữ khu vực đã được hồi sinh.

Bà Suharti cho biết Kemendagri và các chính quyền khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sinh các ngôn ngữ khu vực.

Do đó, việc hợp nhất với các bên liên quan khác nên được thực hiện liên tục để có thể hồi sinh nhiều ngôn ngữ khu vực hơn.

[Tiệm Mọt: Những trang sách bảo tồn ngôn ngữ, bản sắc Việt nơi xứ người]

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan ngôn ngữ E. Aminudin Aziz nhấn mạnh rằng Kemendagri và Kemendikbudristek, với tư cách là những cơ quan nhận nhiệm vụ bảo vệ ngôn ngữ khu vực, nên phối hợp thực hiện chính sách Học tập Merdeka.

Tổng thư ký của Kemendagri, Suhajar Diantoro, nhấn mạnh phục hồi ngôn ngữ khu vực là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền khu vực, cả chính quyền tỉnh và huyện hoặc thành phố.

Ông Suhajar Diantoro nhấn mạnh: “Một số ngôn ngữ khu vực gần như đã biến mất cần được khôi phục và đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục