Indonesia sẽ đấu giá băng tần 2,1 GHz nhằm thúc đẩy mạng 5G

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, quyền khai thác và sử dụng các băng tần 1975-1980 MHz và 2165-2170 MHz trên lãnh thổ Indonesia sẽ được đem ra bán đấu giá.
Indonesia sẽ đấu giá băng tần 2,1 GHz nhằm thúc đẩy mạng 5G ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch bán đấu giá các phân đoạn của dải băng tần vô tuyến 2,1GHz trong một động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng viễn thông thế hệ 5 (5G) tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, quyền khai thác và sử dụng các băng tần 1975-1980MHz và 2165-2170MHz trên lãnh thổ Indonesia sẽ được đem ra bán đấu giá.

Ông Sigit Puspito Wigati Jarot, người đứng đầu bộ phận cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia thuộc Hiệp hội Viễn thông Indonesia (Mastel), cho biết cuộc đấu giá này có thể thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ 5G.

Theo ông Sigit, băng tần 2,1GHz rất hấp dẫn và còn sót lại từ thế hệ trước. Nhu cầu về dữ liệu băng thông rộng đang không ngừng tăng lên, trong khi phổ tần khả dụng rất hạn chế, nếu không muốn nói là không đủ.

Do vậy, mặc dù chính phủ chỉ bán đấu giá tổng cộng 10MHz, rất có thể các nhà mạng di động sẽ đổ xô để giành các phần phổ tần này.

[Viettel cung cấp dịch vụ VoLTE và 5G khi chuyển vùng quốc tế]

Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp Internet Indonesia (APJII) Arif Angga cũng nhất trí cho rằng băng tần rất hiếm và rất quan trọng đối với các nhà mạng di động, đồng nghĩa với việc cuộc đấu giá sắp tới sẽ rất quan trọng đối với kế hoạch phát triển 5G của các công ty.

Một số nhà mạng cho biết vẫn đang xem xét liệu họ sẽ đăng ký tham gia đấu giá hay không. Ông Marwan O Baasir, Giám đốc phụ trách kinh doanh thuộc nhà mạng XL Axiata, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến việc tham gia đấu giá vì phổ tần là một nguồn lực hạn chế, rất quan trọng để cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.”

Ông Marwan nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ triển khai 5G ở Indonesia và việc tham gia đấu giá phổ tần lần này là một phần của cam kết đó. Chúng tôi có kế hoạch sử dụng tần số này để triển khai 5G cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ 4G.”

Trong khi đó, nhà mạng Smartfren and Indosat Ooredo Hutchison (IOH) vẫn đang cân nhắc quyết định. Phó chủ tịch IOH, ông Steve Saerang cho hay: “Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu nội bộ về việc có nên tham gia đấu giá các dải phổ tần hay không. Về cơ bản, tất cả các nhà mạng đều cần bổ sung phổ tần nhằm tăng trải nghiệm kỹ thuật số cho khách hàng.”

Trong một thông cáo báo chí ngày 25/8, ông Denny Setiawan, trưởng nhóm lựa chọn đấu giá, cho biết: “Cuộc đấu giá này sẽ chính thức mở cửa cho tất cả các nhà mạng di động đáp ứng các điều khoản và điều kiện đấu thầu”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục