Indonesia sẽ đối mặt những nguy cơ gì nếu không đổi mới?

Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2019 (GII 2019) cho thấy sự đổi mới ở Indonesia đang bị chững lại, Indonesia đứng ở vị trí thứ 85 trong số 129 quốc gia.
Thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Post (Indonesia) số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Indonesia sẽ không đi đến đâu nếu không có sự đổi mới,” nội dung như sau:

Kể từ khi chúng ta bước vào kỷ nguyên số, nền kinh tế toàn cầu đã chuyển đổi từ ngành công nghiệp dựa trên hàng hóa sang ngành công nghiệp dựa trên tri thức.

Các nhà lãnh đạo kinh tế trong tương lai chính là các quốc gia nổi trội về đổi mới, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong khi đó, một số quốc gia hiện nay vẫn chỉ dựa vào giao dịch hàng hóa thô và sản xuất theo cách thủ công để tạo ra các sản phẩm và công việc có giá trị gia tăng cao, mà chưa tính đến việc tạo ra sự tăng trưởng bền vững.

Sự đổi mới là rất quan trọng để Indonesia đạt được ước mơ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 - đúng 100 năm sau khi giành được độc lập.

Trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2020-2024, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) mô tả giấc mơ lớn về đổi mới khoa học và công nghệ vào năm 2025, biến Indonesia thành một cường quốc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm R&D có tính cạnh tranh cao, được định hướng tới sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, mục tiêu to lớn đó gần như là không thể với thực tế hiện tại.

Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2019 (GII 2019) cho thấy sự đổi mới ở Indonesia đang bị chững lại, Indonesia đứng ở vị trí thứ 85 trong số 129 quốc gia.

Việc Indonesia đứng ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng đổi mới chủ yếu là do môi trường pháp lý yếu, ngân sách phân bổ hạn chế cho R&D và không có nhiều công ty cung cấp sự đào tạo chính thức.

Bên cạnh đó, văn hóa R&D của Indonesia còn thấp là một vấn đề cơ bản khiến cho sự đổi mới khó phát triển.

Để khởi động nền kinh tế dựa trên sự đổi mới trong tình hình hiện tại, Indonesia cần quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa.

Việc đưa ra các chính sách thúc đẩy đổi mới là rất cấp bách. Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò quan trọng để kích thích sự đổi mới thông qua việc cải thiện các hoạt động đào tạo và R&D.

Dựa trên dữ liệu của Viện Thống kê 2017 từ UNESCO, hầu hết các hoạt động R&D ở Indonesia được thực hiện bởi chính phủ (69,7%) và các trường đại học (20,8%), trong khi khu vực tư nhân chỉ đóng góp 9,8%.

Sự đóng góp thấp của khu vực tư nhân vào các hoạt động R&D là do họ sợ rủi ro cao và lợi nhuận không chắc chắn.

Hiện, Indonesia đứng thứ 109 về mức độ hoạt động R&D, thấp nhất trong tất cả các nước ASEAN khác như Thái Lan (thứ 13), Malaysia (thứ 23), Singapore (thứ 46) và Việt Nam (61).

[Nguyên nhân thúc đẩy ý tưởng di dời thủ đô của Indonesia]

Để khuyến khích hoạt động R&D, thì chính sách tài khóa phải đi kèm với việc cắt giảm các thủ tục hành chính thuế phức tạp và kéo dài lâu nay.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để kích thích văn hóa R&D mạnh mẽ ở Indonesia. Chính phủ cũng nên cung cấp một cách tiếp cận phi tài chính, chẳng hạn như tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện khả năng đọc viết.

Sở hữu trí tuệ của Indonesia đã bị tụt lại phía sau trong những năm gần đây. Báo cáo Chỉ số Sở hữu Trí tuệ 2018 của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy vị trí sở hữu trí tuệ của Indonesia đã giảm xuống thứ 45/50 quốc gia.

Bảo vệ sở hữu trí tuệ thấp cũng khiến các công ty ở Indonesia miễn cưỡng tiến hành các hoạt động R&D.

Trong tương lai, nếu việc vi phạm bản quyền trí tuệ vẫn diễn ra tràn lan, sự tham gia tài trợ vào R&D của các tổ chức sẽ bị hạn chế.

Theo Luật Hệ thống Khoa học và Công nghệ Quốc gia được thông qua vào tháng 7/2018, một số quy định được đưa ra có thể cản trở tự do nghiên cứu và phản tác dụng đối với sự đổi mới.

Các biện pháp trừng phạt hình sự và các thủ tục phức tạp trong việc cấp giấy phép nghiên cứu đối với các tổ chức nghiên cứu và nhà nghiên cứu nước ngoài là một trở ngại nữa đối với R&D ở Indonesia.

Một môi trường nghiên cứu dựa trên mô hình chỉ đạo của chính quyền, trong đó các tổ chức nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất xuất bản.

Chúng ta phải hiểu rằng, sự cởi mở và tự do trong việc thực hiện nghiên cứu có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển đổi mới thông qua chuyển giao kiến thức và công nghệ.

Sự đổi mới chỉ có thể thành công từ nguồn nhân lực tài giỏi. Thời gian vừa qua, nhiều sinh viên Indonesia đã giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học quốc tế.

Các công ty khởi nghiệp cũng đang phát triển nhanh chóng, có thể cạnh tranh trong thị trường ASEAN…

Điều này cho thấy Indonesia có rất nhiều tiềm năng để phát triển một ngành công nghiệp dựa trên tri thức trong tương lai.

Chắc chắn chỉ có sự đổi mới có thể cung cấp một bước nhảy vọt cho Indonesia để bắt kịp với các nước phát triển khác trong thời đại kỹ thuật số ngày này. Indonesia phải đi xa hơn để trở thành một quốc gia phát triển trong 26 năm tới.

Không có một môi trường đổi mới mạnh mẽ, Indonesia sẽ không thể đi xa và tăng trưởng kinh tế sẽ bị đình trệ, lúc đó Indonesia vẫn chỉ sống với quá khứ, trong khi các quốc gia khác đã sống với tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục