Iran đã chuyển một phần nước nặng dư thừa tới Oman

Dựa theo tiến trình đối thoại với một số doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia muốn mua nước nặng, một phần lượng nước nặng dư thừa của Iran đã được chuyển tới Oman.
Iran đã chuyển một phần nước nặng dư thừa tới Oman ảnh 1Toàn cảnh lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền Trung Iran. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Ngày 20/11, người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEO) Behrouz Kamalvandi cho biết Iran đã chuyển một phần nước nặng dư thừa tới Oman.

Hãng thông tấn Sinh viên Iran (ISNA) dẫn lời ông Kamalvandi nêu rõ dựa theo tiến trình đối thoại với một số doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia muốn mua nước nặng, một phần lượng nước nặng dư thừa của Iran đã được chuyển tới Oman. Ông nhấn mạnh sẽ có thêm nước nặng chuyển tới Oman khi đàm phán với bên mua ở nước ngoài đạt được tiến triển. Hiện thông tin trên vẫn chưa được chính thức xác nhận.

Trước đó, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuần trước cho biết Iran đã lần thứ 2 vượt mức giới hạn dự trữ nước nặng 130 tấn được quy định trong thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực vào đầu năm nay.

Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano ngày 17/11 đã bày tỏ quan ngại và tuyên bố Iran phải dừng ngay việc này. Nước nặng không phải là chất phóng xạ nhưng được sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất plutoni.

Iran đã bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định Tehran vẫn tuân thủ cam kết kiểm soát mức giới hạn dự trữ nguyên liệu. Ông Kamalvandi cho biết Tehran được yêu cầu bán ra thị trường quốc tế tất cả lượng nước nặng quá mức hạn định 130 tấn, và đến nay đã bán 70 tấn. Tiến trình đàm phán vẫn đang diễn ra với các quốc gia quan tâm, đặc biệt là châu Âu, để bán phần còn lại.

Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được JCPOA tại thủ đô Vienna của Áo ngày 14/7/2015. Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết, theo đó các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được bãi bỏ vào ngày 16/1/2016.

Gần đây, các nước thuộc Nhóm P5+1 đã bày tỏ thất vọng về việc Iran vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử trên. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng điều quan trọng là Iran đã không tìm cách che giấu việc vượt giới hạn dự trữ nước nặng, và ông "không dám chắc điều này có chính thức vi phạm thỏa thuận hay không."

Theo IAEA, ngoài vấn đề trên, Iran tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận trong tất cả các khía cạnh khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục