Iran nêu điều kiện làm chậm chương trình làm giàu urani

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho rằng nếu Mỹ và các bên ký kết khác tuân thủ cam kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran sẽ hạ cấp độ làm giàu hạt nhân.
Iran nêu điều kiện làm chậm chương trình làm giàu urani ảnh 1Các thanh ly tâm IR8 tại cơ sở làm giàu urani Natanz, cách Thủ đô Tehran khoảng 300km. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kyodo đưa tin ngày 25/7, Phó Tổng thống đồng thời là người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami tuyên bố Tehran có thể làm chậm chương trình làm giàu urani.

Tuy nhiên, theo ông Mohammad Eslami, điều này phụ thuộc vào các đề xuất từ phía Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận quốc tế đang bị đình trệ, và Iran cũng muốn tái khởi động hợp tác an toàn hạt nhân với Nhật Bản.

[Ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran]

Theo thỏa thuận năm 2015 với sáu cường quốc - Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ - Iran đã đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn thỏa thuận do người tiền nhiệm của ông ký kết là thiếu sót và rút Washington khỏi thỏa thuận này năm 2018.

Iran đã đáp trả động thái này bằng cách mở rộng công suất và tăng cấp độ làm giàu urani vượt giới hạn quy định trong thỏa thuận.

Phát biểu với hãng Kyodo News, ông Eslami nói rằng Iran cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới nhưng không muốn đơn phương thực hiện.

Nếu Mỹ và các bên ký kết khác tuân thủ cam kết, Tehran sẽ hạ cấp độ làm giàu hạt nhân, ngoài ra không giải thích thêm.

Ông Eslami cũng cho biết có nhiều cơ hội hợp tác hạt nhân chung với Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh Tokyo có thể hưởng lợi từ ngành công nghiệp hạt nhân đáng tin cậy của Iran.

Ông cho hay Iran có kế hoạch xây dựng 6 nhà máy điện mới để sản xuất điện hạt nhân và nếu Nhật Bản sẵn sàng trong lĩnh vực này, "chúng tôi chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho sự hiện diện của họ trong ngành công nghiệp hạt nhân của Iran."

Nhật Bản trước đây đã đào tạo các nhà khoa học Iran trong một chương trình nhằm phát triển an toàn hạt nhân, nhưng chương trình này đã đình chỉ sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt Iran vì chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Trước đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, bà Rosemary DiCarlo nhấn mạnh rằng ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết hiệu quả vấn đề hạt nhân Iran.

Bà DiCarlo cho rằng điều cần thiết nhất là tất cả các bên nối lại cuộc đối thoại càng nhanh càng tốt và đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn tồn tại.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an, bà DiCarlo đã nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc đối với Mỹ về việc dỡ bỏ hoặc từ bỏ các biện pháp trừng phạt như đã nêu trong thỏa thuận và gia hạn các miễn trừ liên quan đến hoạt động thương mại dầu mỏ đối với Iran.

Bà cũng tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc về việc Iran đảo ngược các bước mà nước này đã thực hiện, vốn không phù hợp với các cam kết liên quan đến hạt nhân theo thỏa thuận./.

Thỏa thuận hạt nhân, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký hồi tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc- Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga - cùng với Đức), theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song chưa đạt được đột phá nào sau vòng đàm phán gần đây nhất vào đầu tháng 8/2022.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục