Iraq: Lượng xuất khẩu dầu mỏ tăng tháng thứ 2 liên tiếp

Lượng dầu thô xuất khẩu của Iraq đạt bình quân khoảng 2,582 triệu thùng/ngày, ghi dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp, đem về nguồn thu 8,068 tỷ USD.

Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết, trong tháng Năm vừa qua, mặc dù hệ thống đường ống ở miền Bắc vẫn chưa hoạt động trở lại, lượng dầu thô xuất khẩu của nước này đạt bình quân khoảng 2,582 triệu thùng/ngày, ghi dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp, đem về nguồn thu 8,068 tỷ USD (tính theo mức giá khoảng 100,08 USD/thùng).

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dầu của Iraq trong tháng 4/2014 chỉ đạt 7,582 tỷ USD.

Lượng dầu xuất khẩu dù tăng trong tháng 5/2014, nhưng vẫn còn giữ một khoảng cách tương đối xa so với mức đỉnh 2,8 triệu thùng/ngày được lập hồi tháng 2/2014.

Hoạt động xuất khẩu dầu của Iraq bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công dai dẳng vào hệ thống đường ống nối tỉnh Kirkuk ở miền Bắc đất nước với cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống này - không hoạt động từ đầu tháng 3/2014 - ở thời kỳ "hoàng kim" đã vận chuyển 500.000 thùng dầu/ngày ra thị trường quốc tế qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp tới 95% cho ngân sách của Chính phủ Iraq, và Baghdad đang nỗ lực tăng nguồn thu này để phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Iraq sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, ước khoảng 143,1 tỷ thùng.

Các cuộc tấn công của phiến quân, cơ sở hạ tầng yếu kém, và tình trạng tranh chấp giữa chính quyền trung ương và khu tự trị ở miền Bắc về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên là những "chướng ngại vật" ngăn cản Iraq tăng sản lượng cũng như lượng dầu xuất khẩu.

Hiện Iraq là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới sau Saudi Arabia và Nga. Thu nhập từ dầu lửa hiện đạt khoảng 100 tỷ USD/năm, nhờ đó, nền kinh tế Iraq đã có những cải thiện nhất định. Tuy nhiên, dầu lửa cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và vùng miền ở nước này.

Cộng đồng Arập Sunni phàn nàn không được hưởng lợi từ dầu lửa, trong khi người Kurd kiên quyết giữ độc quyền khai thác và xuất khẩu dầu lửa tại miền Bắc, nhất là ở tỉnh Kirkuk, mà không cần xin phép Baghdad.

Đây là một vấn đề rất gay cấn và nhạy cảm, mà nếu không tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục