Ireland không chấp nhận kế hoạch cải cách thuế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe khẳng định Ireland - nước hiện đang áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% - không tán thành các kế hoạch này.
Ireland không chấp nhận kế hoạch cải cách thuế toàn cầu ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe. (Nguồn: rte.ie)

Ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe tuyên bố nước này sẽ không tham gia kế hoạch cải cách thuế toàn cầu.

Hồi tuần trước, tại hội nghị ở Venice của Italy, các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đã nhất trí với kế hoạch cải tổ phương thức đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.

Thỏa thuận này sẽ đặt ra một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.

[Mỹ kêu gọi nhiều quốc gia tham gia thỏa thuận thuế toàn cầu]

Văn kiện này cũng sẽ thay đổi cách đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao như Amazon và Google, theo đó căn cứ một phần vào nơi các công ty này bán sản phẩm và dịch vụ thay vì căn cứ vào nơi công ty đặt trụ sở.

Tuy nhiên, trao đổi với đài truyền hình nhà nước RTE, Bộ trưởng Donohoe khẳng định Ireland - nước hiện đang áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% - không tán thành các kế hoạch này.

Ông Donohoe nêu rõ: "Những gì được thảo luận ngay lúc này là một thỏa thuận mà Ireland không thể tham gia." Ireland cam kết đàm phán để đánh giá về khả năng tham gia thỏa thuận này ở một thời điểm nào đó, song sẽ đưa ra đề xuất áp mức thuế 12,5% bởi đấy là "đặc trưng then chốt" của chính sách kinh tế Ireland trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Bộ trưởng Donohoe nhấn mạnh việc đồng ý với đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% sẽ gây ra "các vấn đề" cho "những người đã đầu tư vào nền kinh tế Ireland."

Tuyên bố của Bộ trưởng Donohoe được đưa ra sau khi tờ Irish Examiner đưa tin Dublin có kế hoạch bãi bỏ mức thuế 12,5% vì lo ngại sẽ phải đứng ngoài thỏa thuận thuế toàn cầu.

Một nguồn tin chính phủ cấp cao được trích dẫn cho biết: "Ireland sẽ tiếp tục ủng hộ quyền của các nước nhỏ để giữ lại một số lợi thế cạnh tranh, nhưng chúng tôi không muốn trở thành một bên ngoại lệ trong thỏa thuận thuế toàn cầu."

Ireland thường được mệnh danh là "thiên đường thuế" khi thị trường này vẫn đang cung cấp nhiều đặc quyền về thuế hơn các nước láng giềng giàu có.

Trên thực tế, mức thuế dành cho các doanh nghiệp mà Ireland đang áp dụng và mức thuế 15% được G20 nhất trí vẫn thấp hơn mức thuế 20% trở lên mà các công ty phải đối mặt ở những nước như Mỹ hoặc Pháp.

Ngoài mức thuế doanh nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, Ireland còn có hiệp ước thuế với các quốc gia khác cho phép doanh nghiệp đa quốc gia trả thuế thấp hơn và cung cấp thêm ưu đãi để bù đắp cho những công ty chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục