Mỹ kêu gọi nhiều quốc gia tham gia thỏa thuận thuế toàn cầu

Thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã nhận được sự đồng thuận của 130 nền kinh tế nhằm giúp chính phủ các nước thu thêm thuế từ các công ty lớn.
Mỹ kêu gọi nhiều quốc gia tham gia thỏa thuận thuế toàn cầu ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese ngày 2/7 cho biết Mỹ vẫn đang nỗ lực để có thêm nhiều quốc tham gia vào thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% mà đã được 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ký kết trong tuần này.

Trả lời phóng viên báo chí, ông Brian Deese khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm việc và hướng tới cột mốc quan trọng trong quá trình thúc đẩy thỏa thuận thuế này.

Theo ông Brian Deese, thỏa thuận này sẽ giúp tạo động lực thúc đẩy Tổng thống Joe Biden tăng thuế suất doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp tăng doanh thu cần thiết cho một loạt khoản đầu tư.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh đây là một thỏa thuận “lịch sử”, và cuộc đua “xuống đáy” đối với thuế doanh nghiệp, mà bà tin là đã khiến Mỹ và nhiều nước khác thất thu thuế để thực hiện những kế hoạch đầu tư quan trọng như cơ sở hạ tầng, đang tiến thêm một bước đến ngày kết thúc.

[Mỹ, Ấn Độ thảo luận về lợi ích thực thi thuế tối thiểu toàn cầu]

Thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã nhận được sự đồng thuận của 130 nền kinh tế nhằm giúp chính phủ các nước thu thêm thuế từ các công ty lớn.

Mức thuế tối thiểu được thống nhất đưa ra là ít nhất 15%, một ý tưởng đã được chính phủ của Tổng thống Biden thúc đẩy. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các bên tham gia đàm phán sẽ tiếp tục hoàn thiện các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế vào tháng Mười, hướng tới mục tiêu hoàn thiện vào năm 2023.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách 130 thành viên đồng thuận của OECD.

Trong khi đó, một số quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để thu hút đầu tư như Ireland và Hungary đã phản đối việc đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục