IS “nhòm ngó” Indonesia trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Giám đốc Viện phân tích chính sách xung đột (IPAC) nhận định: “Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã mang lại cho lực lượng thánh chiến miền Đông Indonesia hy vọng mới rằng chiến thắng đã cận kề."
 IS “nhòm ngó” Indonesia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh 1Cảnh sát Indonesia tuần tra tại Jakarta. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Asia Times mới đây cho biết, sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kêu gọi các tín đồ lợi dụng tình trạng hỗn loạn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) để tiến hành các cuộc tấn công mới trên toàn thế giới, lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Indonesia đã thu giữ một lượng đạn dược lớn trên đảo Java.

Theo các chuyên gia khủng bố, tổng cộng 2.300 viên đạn súng trường tấn công và các loại vũ khí khác đã được cảnh sát và quân đội thu giữ. Đây là khối lượng đạn dược lớn nhất mà các chiến binh khủng bố Indonesia từng sở hữu trong hai thập kỷ qua.

Ba nghi phạm được cho là thành viên của tổ chức Jamaah Ansharut Daulah (JAD) có liên hệ với IS đã bị Biệt đội chống khủng bố Densus 88 bắt giữ hôm 26/4 tại vùng ngoại ô Sidoarjo thuộc thành phố Surabaya cùng với 288 viên đạn 5,56mm và 9mm.

Các vũ khí khác cũng được thu giữ trong cuộc đột kích này gồm một khẩu súng bắn tỉa SSI-V4 do công ty Pindad của Indonesia sản xuất và thường được các chiến sỹ đặc nhiệm thuộc Lực lượng Dự bị Chiến lược (Kostrad) sử dụng, cùng hai khẩu súng ngắn tự động 9mm Browning.

Một ngày sau đó, lần theo dấu vết nhân viên một công ty chuyển phát nhanh có trụ sở tại thành phố Surabaya, cảnh sát đã bắt giữ thêm ba tay súng cùng 2.000 viên đạn gần thành phố Serang, thủ phủ tỉnh Banten ở phía Tây thủ đô Jakarta.

Vụ bắt giữ thứ hai này được rất ít phương tiện truyền thông đưa tin, cho thấy tính chất nhạy cảm về khả năng số vũ khí trên đã bị rò rỉ từ chính Pindad hoặc từ một đơn vị thuộc Quân đội Indonesia (TNI). Trong số các nghi phạm bị bắt giữ có một cựu quân nhân không quân.

Trong một vụ việc khác xảy ra ở phía Nam tỉnh Trung Kalimantan, vốn là hang ổ mới của các tay súng lẩn trốn, cảnh sát địa phương đã bắt giữ một người đàn ông bị camera đường phố theo dõi sau khi tên này cài bom tự chế tại một nhà thờ Hồi giáo.

Cảnh sát tiết lộ rất ít về kế hoạch của những kẻ khủng bố đối với số vũ khí trên, song một nguồn tin an ninh cho hay tình hình rất đáng lo ngại. Cảnh sát sẽ phải đi đến tận cùng vụ việc vì thật không dễ dàng để sở hữu lượng đạn dược lớn như vậy.

Dấu hiệu rõ ràng duy nhất cho thấy các tay súng Indonesia đã tuân theo lời kêu gọi vũ trang của IS là ở tỉnh Trung Sulawesi - nơi năm phần tử cực đoan thuộc lực lượng thánh chiến miền Đông Indonesia (MIT) vừa bị tiêu diệt trong các cuộc hỗn chiến với lực lượng an ninh gần tỉnh lỵ Poso.

“Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã mang lại cho MIT hy vọng mới rằng chiến thắng đã cận kề," Giám đốc Viện phân tích chính sách xung đột (IPAC) Sidney Jones nhận định, đồng thời cho biết các nhóm thánh chiến nhỏ đã tuyển dụng được một số tân binh và vẫn có thể huy động được sự hỗ trợ tại địa phương. Tuy vậy, mức độ hoạt động khủng bố nhìn chung là thấp.

[Indonesia bắt giữ hơn 70 nghi can vụ đánh bom trên đảo Sumatra]

Trong một bài báo mới đây, ông Jones lưu ý rằng một số người ủng hộ IS ít tập trung vào các hoạt động thánh chiến, thay vào đó họ cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là một dấu hiệu khác cho thấy ngày tận thế sắp đến - mối quan tâm mới lạ của những kẻ cực đoan Indonesia.

Những kẻ Hồi giáo cực đoan ít có xu hướng khai thác tình trạng bất ổn xã hội hiện nay do tình trạng thất nghiệp gia tăng mạnh, trong khi tâm lý chống Trung Quốc gia tăng trên các phương tiện truyền thông xã hội không liên quan gì đến các bất ổn trên đường phố. Tuy nhiên, kinh nghiệm quá khứ đã chỉ ra rằng những kẻ khủng bố sẽ tấn công vào thời điểm ít ngờ nhất và thường chỉ bị ngăn chặn vào phút chót bởi Biệt đội Densus 88.

 IS “nhòm ngó” Indonesia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh 2Cảnh sát Indonesia điều tra tại hiện trường vụ đánh bom liều chết bên ngoài đồn cảnh sát trên đảo Sumatra, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng Sáu năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ 34 nghi phạm ở tỉnh Trung Kalimantan với cáo buộc lên kế hoạch đánh bom tự sát ở Jakarta. Trong số những kẻ bị bắt giữ có một số thành viên JAD từng chạy trốn khỏi Java hồi năm 2018 sau khi cố gắng thành lập một trại huấn luyện khủng bố tại vùng núi Salak, cách Jakarta 90km về phía Nam.

Densus 88 chỉ vừa mới được Thiếu tướng Marthinus Hukom, 48 tuổi, tiếp quản. Thiếu tướng Hukom từng tham gia điều tra vụ đánh bom ở Bali năm 2002 và là thành viên của biệt đội chống khủng bố này kể từ đơn vị này được thành lập. Ông cũng từng là thành viên Cơ quan tình báo của Cảnh sát Quốc gia và được cho là có hiểu biết sâu về cách thức hoạt động của JAD cũng như các mạng lưới khủng bố trong nước khác - vốn chủ yếu liên lạc thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Một trong những phần tử khủng bố bị bắt giữ trong chiến dịch Banten được cho là có liên hệ với Imam Samudra - kẻ bị xử tử cùng hai chiến binh khác tại nhà tù Nusa Kambangan vào tháng 11/2008 với tội danh cầm đầu vụ đánh bom Bali.

Bối cảnh của chiến dịch Banten là thị trấn Pandeglang đông đúc và sùng đạo. Đây là nơi cựu Bộ trưởng An ninh Wiranto đã bị một chiến binh đâm trọng thương ở bụng hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông Wiranto đã sống sót, song đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào một bộ trưởng nội các, làm dấy lên lo ngại rằng JAD có thể đang nhắm vào các nhân vật cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joko Widodo. Các vụ bắt giữ vũ khí gần đây đã làm sống lại những lo lắng đó.

Banten từng là một phần của Tây Java - tỉnh có dân số đông nhất của Indonesia và là cái nôi của phong trào Hồi giáo Darul ,từng nổi dậy trong những năm 1950 với mục tiêu biến Indonesia thành quốc gia Hồi giáo. Là thành trì của đảng Công lý và Thịnh vượng (PKS) - chính đảng đối lập duy nhất tại Quốc hội, tỉnh Tây Java đã chứng kiến thất bại của Tổng thống Widodo trong hai kỳ bầu cử liên tiếp, mặc dù nhà lãnh đạo này đã giành lại chiến thắng tại phần lớn khu vực bầu cử tại tỉnh Trung Java và Đông Java.

JAD chịu trách nhiệm về vụ đánh bom và xả súng năm 2016 tại trung tâm thành phố Jakarta khiến 8 người thiệt mạng, cũng như vụ đánh bom tự sát hồi tháng 5/2018 nhằm vào ba nhà thờ và đồn cảnh sát ở thành phố Surabaya khiến 15 người thiệt mạng cùng 13 kẻ khủng bố. Cho đến nay, JAD được cho là không có chuyên môn về vũ khí tự động.

Một nhóm tay súng của JAD được cho là đã tham gia khóa huấn luyện trên đảo Basilan ở miền Nam Philippines hồi năm 2016, song khóa huấn luyện này đã bị giải tán trong một chiến dịch quân sự của quân đội Philippines. Tiếp đó, các chiến binh IS đã quá bận rộn cho chiến dịch chiếm đóng thành phố Marawi ở phía Bắc thành phố Mindanao thuộc tỉnh Lanao del Sur hồi tháng 5/2017 và kéo dài năm tháng, khiến 980 tay súng và 168 binh sĩ chính phủ Philippines thiệt mạng.

Theo IPAC, kể từ đó, một chương bất hạnh đã cản trở các nỗ lực lặp đi lặp lại của JAD nhằm nhập khẩu 30 khẩu súng trường M-16 và AK-47 từ miền Nam Mindanao. Số vũ khí này đã được JAD trả tiền và được cho là được cất giấu tại Zamboanga.

Tại một trong các nỗ lực đó, JAD đã lên kế hoạch vận chuyển số vũ khí này từ Zamboanga ở phía Nam Mindanao tới đảo Kalimantan của Indonesia thông qua Biển Sulu. Tuy nhiên, vụ đánh bom một nhà thờ ở thành phố Samarinda, thủ phủ tỉnh Đông Kalimantan, khiến một trẻ em thiệt mạng, đã tạo cớ cho chính quyền đập tan mạng lưới địa phương của IS./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục