Italy cảnh báo các mục tiêu giảm khí thải của EU là phi thực tế

Các sáng kiến của EU nhận được sự khen ngợi từ các nhóm bảo vệ môi trường, tuy nhiên, các quan chức Italy cho rằng mục tiêu cắt giảm này là quá nhiều và quá nhanh.
Italy cảnh báo các mục tiêu giảm khí thải của EU là phi thực tế ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy nhiệt điện ở Bulgaria ngày 29/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Italy ngày 15/2 cho rằng các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 mới được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua với việc cấm bán ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là phi thực tế. 

Trước đó, ngày 14/2, EP đã chính thức thông qua luật cấm bán ôtô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Theo luật mang tính bước ngoặt này, đến năm 2035 các nhà sản xuất ôtô phải đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 ở mức 100%, đồng nghĩa các hãng này không thể bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU.

Luật cũng bao gồm mục tiêu lượng phát thải khí CO2 đối với những chiếc xe mới được bán ra kể từ năm 2030 giảm 55% so với năm 2021 và cao hơn rất nhiều mục tiêu hiện nay là 37,5%.

[EU nới lỏng các quy định trong dự luật cắt giảm khí methane]

Ủy ban châu Âu ngày 14/2 cũng đề xuất các mục tiêu phát thải khí CO2 mới đầy tham vọng đối với các phương tiện hạng nặng mới sản xuất.

Đơn cử như mục tiêu so với mức năm 2019 phải cắt giảm 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ xe tải hạng nặng vào năm 2040 và yêu cầu tất cả xe buýt mới hoạt động tại các thành phố ở châu Âu phải là các phương tiện không phát thải vào năm 2030.

Các sáng kiến của EU nhận được sự khen ngợi từ các nhóm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các quan chức Italy cho rằng mục tiêu cắt giảm này là quá nhiều và quá nhanh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp và Sản xuất Italy Adolfo Urso nhận định:"Trong những mốc thời gian đó và với các biện pháp đó thì sẽ có rủi ro. Khung thời gian và các quy trình mà châu Âu đang áp đặt là không phù hợp với tình hình thực tế của Italy."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh: "Tôi rất ủng hộ xe điện, tuy nhiên các mục tiêu tham vọng cần phải đạt được trên thực tế và không chỉ trên giấy tờ. Chống biến đổi khí hậu là điều cần thiết, song phải đặt ra các mục tiêu khả thi."

Về phần mình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Matteo Salvini cảnh báo các quy định này sẽ khiến ngành công nghiệp châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn trên thế giới.

Luật mới, được Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên đề xuất hồi năm 2021, là trụ cột chính trong gói các biện pháp rộng rãi hơn của EU nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của khối.

Số liệu chính thức được công bố ngày 1/2 cho thấy doanh số bán ôtô điện tại các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục trong năm 2022, trong bối cảnh EU đang nỗ lực thay thế các dòng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), doanh số bán ôtô điện chạy bằng pin chiếm 12,1% doanh số bán ôtô mới, tăng so với mức 9,1% ghi nhận trong năm 2021 và 1,9% năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục