Italy: PD và FI mâu thuẫn gay gắt về cải cách luật bầu cử

Mâu thuẫn giữa PD và FI đã lên đến đỉnh điểm hôm 4/2, sau khi hai bên cùng tuyên bố thỏa thuận của họ về cải cách về luật bầu cử và cải tổ Hiến pháp đã bị phá vỡ
Italy: PD và FI mâu thuẫn gay gắt về cải cách luật bầu cử ảnh 1Thủ tướng Renzi (trái) và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (phải) ngày càng khó tìm được tiếng nói chung. (Nguồn:ilsole24ore.com)

Mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ (PD) cầm quyền và đảng Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã lên đến đỉnh điểm hôm 4/2, sau khi cả hai phía cùng tuyên bố thỏa thuận mà họ cùng đạt được nhằm tiến hành những cải cách về luật bầu cử và cải tổ Hiến pháp đã bị phá vỡ.

Những mâu thuẫn này nổ ra sau khi cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Italy diễn ra, với kết quả thẩm phán Tòa án Hiến pháp Sergio Mattarella đắc cử. Ông Silvio Berlusconi, người đứng đầu đảng FI, đã chỉ trích Thủ tướng Matteo Renzi, cũng là thủ lĩnh đảng PD, đã đề cử ông Mattarella mà không hỏi ý kiến của ông.

Việc ông Mattarella được bầu là Tổng thống Italy đã giúp PD đoàn kết hơn nhưng lại gây chia rẽ gay gắt FI, đảng hiện được cho là đang rơi vào khủng hoảng đường lối.

Báo chí Italy cho rằng với tuyên bố của Thủ tướng Renzi vào hôm 3/2, rằng "cải cách bầu cử sẽ vẫn tiến về phía trước, bất kể FI có ủng hộ hay không", đảng PD đã chủ động cắt đứt mối liên hệ với FI liên quan đến các thỏa thuận của họ về cải cách.

Ông Renzi và ông Berlusconi đã gặp nhau vào tháng 1/2014, một tháng trước khi ông Renzi lên nắm chính phủ, và đạt được một số thỏa thuận quan trọng liên quan đến cải cách nền chính trị Italy, trong đó có cải cách luật bầu cử, cải cách Hiến pháp để giảm quyền lực của chính quyền cấp vùng, tỉnh và chia lại hệ thống hành chính của đất nước nhằm giảm chi phí công, đồng thời cải tổ Thượng viện thành một đại diện cho chính quyền các vùng.

Đảng PD và FI đã đưa ra những đề xuất cải cách luật bầu cử, soạn thảo dự luật bầu cử mới. Dự luật đó đã được Thượng viện xem xét thông qua và chuyển lên cho Hạ viện xem xét trước khi tiến hành bỏ phiếu thông qua thành luật vào tháng 4 tới. Theo dự kiến, đạo luật được PD kỳ vọng rất nhiều này sẽ có hiệu lực từ năm 2016.

Tuy nhiên, Thủ tướng Renzi đã tận dụng thời điểm FI đang khủng hoảng để cắt đứt những mối liên hệ với FI. Ngày 4/2, Thủ tướng Renzi khẳng định rằng những người thực hiện cải cách đang có một đa số áp đảo trong Quốc hội để có thể thông qua các cải cách cần thiết cho đất nước mà không cần sự hậu thuẫn của FI. Ông cũng tuyên bố chính phủ hiện tại sẽ đứng vững đến hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng của FI, hiện là đảng lớn thứ 3 ở Italy, sau PD và Phong trào 5 Sao, sẽ là cơ hội để đảng có xu hướng bài ngoại Liên đoàn Phương Bắc vươn lên. Ông Matteo Salvini, thủ lĩnh của đảng lớn thứ 4 này, đang có tham vọng vươn lên trở thành người đứng đầu của liên minh trung-hữu và trở thành đối thủ của Thủ tướng Renzi, bằng cách chiếm cảm tình của những cử tri FI đang thất vọng với Berlusconi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục