Chính phủ mới của Hy Lạp gây thêm căng thẳng với các chủ nợ

Ngày 30/1, Chính phủ mới ở Hy Lạp đã làm trầm trọng thêm bầu không khí căng thẳng với "Bộ ba" chủ nợ khi từ chối gặp các quan chức EU và IMF.
Chính phủ mới của Hy Lạp gây thêm căng thẳng với các chủ nợ ảnh 1Người lao động đình công tại thủ đô Athens ngày 27/11/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/1, Chính phủ mới ở Hy Lạp đã làm trầm trọng thêm bầu không khí căng thẳng với "Bộ ba" chủ nợ - gồm Liên minh châu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - khi từ chối gặp các quan chức EU và IMF.

Hy Lạp đồng thời bác bỏ khoản cứu trợ tiếp theo trị giá 7,2 tỷ euro mà các chủ nợ dự định giải ngân vào ngày 28/2 tới nếu Athens hoàn tất các cải cách và kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách như đã cam kết.

Bất chấp những cảnh báo rằng Hy Lạp chẳng bao lâu nữa sẽ cạn sạch tiền, Bộ trưởng Tài chính nước này Yanis Varoufakis vẫn khẳng định Chính phủ mới muốn điều hành đất nước mà không cần khoản cứu trợ mới.

Thay vào đó, Athens sẽ thương lượng lại với nhóm "Bộ ba" về toàn bộ gói cứu trợ vỡ nợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Người đứng đầu Eurogroup Jeroen Dijsselbloem, ông Varoufakis nói rõ Chính phủ mới được bầu trên cơ sở đã phân tích kỹ mọi lô-gích của chương trình cứu trợ vỡ nợ hiện này, hàm ý những cải cách và cắt giảm ngân sách mà các chủ nợ yêu cầu Athens phải thực hiện.

Ông Varoufakis cho biết việc làm đầu tiên của Chính phủ mới "không phải là bác bỏ quá trình phân tích này bằng cách yêu cầu kéo dài chương trình cứu trợ vỡ nợ

Ông Varoufakis cũng cho biết Athens sẵn sàng thương lượng với các chủ nợ, nhưng không phải là nhóm "Bộ ba" vì ông cho rằng các thể chế này chỉ đưa ra cam kết dựa trên những nền tảng không còn phù hợp.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Dijsselbloem cảnh báo mọi hành động đơn phương hay phớt lờ những dàn xếp trước đó đều không phải là bước tiến đối với Hy Lạp.

Trước khi đến Hy Lạp, ông Dijsselbloem đã khẳng định Chính phủ mới do đảng Syriza của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lãnh đạo đã "đưa ra những kỳ vọng không thể đáp ứng."

Ông Dijsselbloem nhấn mạnh nếu Chính phủ mới triển khai tất cả cam kết đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử thì ngân sách Hy Lạp sẽ nhanh chóng đi chệch hướng.

Theo kế hoạch, ông Tsipras trong tuần tới sẽ đến một số nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Italy và Pháp, bắt đầu quá trình thương lượng lại gói cứu trợ giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ năm 2010 nhưng gây bất bình sâu sắc trong dân chúng.

Cùng thời gian này, ông Varoufakis cũng sẽ bắt đầu chuyến công du châu Âu, gặp gỡ các đồng sự Anh, Pháp và Italy.

Trước khi diễn ra cuộc gặp với ông Varoufakis, lãnh đạo các nước EU đều dự đoán Hy Lạp khó đạt thỏa thuận với các nước thành viên tổ chức này về đề xuất xóa nợ.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng Hy Lạp chỉ có thể đạt thỏa thuận với các chủ nợ sau quá trình đàm phán kéo dài tàn phá nền kinh tế nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục