Thẩm phán người Sicily trở thành tân Tổng thống Italy

AFP đưa tin, ngày 31/1, thẩm phán ít tên tuổi người Sicily, ông Sergio Mattarella đã được bầu làm tân Tổng thống Italy sau bốn vòng bỏ phiếu tại Quốc hội nước này.
Thẩm phán người Sicily trở thành tân Tổng thống Italy ảnh 1Thẩm phán ít tên tuổi người Sicily, ông Sergio Mattarella đã được bầu làm tân Tổng thống Italy . (Nguồn: EPA)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hôm 31-1, sau vòng bỏ phiếu thứ tư, ông Sergio Mattarella, thẩm phán Tòa án Hiến pháp Italy, đã được bầu làm Tổng thống nước này, sau khi đạt 664 phiếu, vượt qua số phiếu cần thiết (505 phiếu) để thay thế ông Giorgio Napolitano, người mới từ chức hôm 14-1, làm người đứng đầu Nhà nước Italy.

Việc ông Mattarella được bầu làm Tổng thống Italy không làm nhiều người ngạc nhiên, vì ông được coi là ứng viên sáng giá nhất nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ (Pd), đảng chiếm đa số trong hai viện Quốc hội cũng như nhiều chính đảng khác. 

Trong ba vòng bỏ phiếu trước đó, đảng Pd và một số đảng đã để phiếu trắng, không điền tên ông Mattarella, để dồn phiếu cho ông ở vòng quyết định vào ngày 31-1, khi ứng viên chỉ cần giành được quá bán là đắc cử, trong khi ở ba vòng bỏ phiếu trước, số phiếu cần đạt cho ứng viên là 673 phiếu, tương đương với 2/3 số đại cử tri là các Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ, nghị sĩ suốt đời và đại diện chính quyền các vùng tham gia bầu cử.

Ông Sergio Mattarella, năm nay 73 tuổi, là một trong những thành viên sáng lập của đảng Pd nhiều năm sau khi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Dc) mà ông là thành viên chấm dứt hoạt động. Ông là tác giả của bộ luật bầu cử cũ của Italy và đã từng là Bộ trưởng quốc phòng cách đây hơn 10 năm, trong chính phủ của Thủ tướng Berlusconi. 

Trong quá khứ, ông đã từng một lần từ chức bộ trưởng thay vì bỏ phiếu cho một đạo luật về truyền thông được thiết kế nhằm làm lợi cho đế chế truyền thông Mediaset do Berlusconi làm chủ sở hữu. Anh trai của ông Mattarella, Piersanti Mattarella, đã bị mafia ám sát vào năm 1980, khi ông đang làm Chủ tịch vùng Sicily. Cha của ông Mattarella, Bernardo Mattarella, đã từng làm bộ trưởng chính phủ trong những năm 1950 và 1960.

Mặc dù được coi là một chức danh mang tính lễ nghi là chủ yếu, nhưng vai trò của Tổng thống Italy đã trở nên quan trọng hơn trong thời gian qua, do nền chính trị Italy quá thiếu ổn định. 

Tổng thống Italy có quyền giải tán quốc hội, bổ nhiệm nội các mới và tham vấn cho các đảng phái trong việc thành lập chính phủ cũng như làm trọng tài trong các xung đột chính trị có ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và Hiến pháp. Tổng thống Napolitano được cho là đã làm được điều này trong thời gian qua, khi Italy đã trải qua 4 cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2006. Mỗi nhiệm kì Tổng thống sẽ kéo dài 7 năm.

Việc bầu được ông Mattarella làm Tổng thống Italy được coi là một thắng lợi của Thủ tướng Matteo Renzi và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền, khi việc đề cử ông Mattarella đã đoàn kết được các thành viên trong đảng, trong hoàn cảnh nhiều nghị sĩ của đảng này phản đối các chính sách kinh tế của Thủ tướng Renzi, cũng người đứng đầu của đảng Pd. 

Một bộ phận của đảng này cũng bất mãn với việc ông Renzi đã thương lượng với thủ lĩnh đảng Forza Italia, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, điều mà họ cho là không thể chấp nhận được. Một số đảng đối lập lúc đầu phản đối ông Renzi, nhưng sau đó cũng dồn phiếu cho ông Mattarella vì không muốn tái diễn tình trạng bất ổn trong chính phủ.

Theo nhật báo La Repubblica, thắng lợi này của ông Renzi sẽ tác động tích cực tới uy tín của ông, của chính phủ và đảng Pd. Các thăm dò dư luận công bố giữa tháng 1-2015, tức là trước bầu cử Tổng thống Italy, cho thấy uy tín của họ giảm.

Cuộc thăm dò hàng tháng của Viện nghiên cứu dư luận Demos công bố cuối tháng 1 cho thấy uy tín của Thủ tướng Renzi đã tụt xuống mức 46%, giảm 4% so với tháng 12-2014.  Kể từ tháng 6/2014, khi uy tín của ông cao ở mức kỷ lục, 74%, sau thắng lợi của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền ở cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, uy tín của ông đã liên tục giảm. 

La Repubblica cho rằng, tỷ lệ ủng hộ ông Renzi giảm là do việc ông thúc đẩy chính phủ thông qua đạo luật cải cách lao động gây nhiều tranh cãi, đồng thời đang có những mâu thuẫn lớn trong nội bộ Pd liên quan đến nhiều vấn đề chính trị của đất nước trong thời điểm này. 

Theo Demos, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với chính phủ cũng đã giảm xuống thấp nhất kể từ 11 tháng nay, khi chính phủ được thành lập vào tháng 2/2014. Thăm dò cho thấy, chỉ còn 42% cử tri ủng hộ chính phủ, so với 46% trong tháng trước và 56% vào tháng 2/2014, khi ông Renzi lên thay ông Letta trên cương vị người đứng đầu nội các./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục