Italy thông qua đề xuất cải cách thúc đẩy kinh tế

Nội các Italy thông qua gói đề xuất cải cách kinh tế nhằm ngăn không để nước này trở thành nạn nhân kế tiếp cuộc khủng hoảng nợ.
Trong cuộc họp khẩn cấp tối 2/11, Nội các Italy đã thông qua gói đề xuất cải cách kinh tế nhằm ngăn không để nước này trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Văn phòng Thủ tướng Silvio Berlusconi cho biết gói đề xuất trên được coi là sự sửa đổi đối với dự luật ngân sách đang được Quốc hội nước này xem xét và phải được thông qua trước khi kết thúc năm. Tuy nhiên, nội dung gói đề xuất cải cách hiện vẫn chưa được công bố.

Theo một số nguồn tin báo chí, gói đề xuất cải cách trên bao gồm việc bán các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tư nhân hóa một số công ty nhà nước ở địa phương.

Những biện pháp trên nhằm thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rằng Chính phủ Italy có khả năng giải quyết gánh nặng nợ công, hiện đang ở mức gần 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sẽ không cần đến một khoản cứu trợ tài chính giống như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Tuần trước, dưới sức ép của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tại một cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Berlusconi đã cam kết sẽ ổn định nền tài chính công của Italy.

Trong cam kết của mình, ông Berlusconi cho biết tuổi nghỉ hưu ở Italy sẽ được nâng lên 67 tuổi vào năm 2026, một số tài sản của nhà nước sẽ được bán và luật lao động sẽ được sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho việc sa thải nhân công - một đề xuất khiến các tổ chức công đoàn bất bình và giận dữ.

Đảng Liên đoàn Phương Bắc (LN), đối tác chính trong liên minh cầm quyền, cũng lên tiếng phản đối Thủ tướng Berlusconi về kế hoạch nâng độ tuổi về hưu.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Italy đã thực hiện một cuộc kiểm tra mức độ an toàn và kết quả cho thấy Italy vẫn có khả năng giảm tỷ lệ nợ công của nước này xuống mức 115,5% GDP vào tháng 1/2012, cho dù tỷ lệ lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm có tăng lên mức 8%. Hiện tỷ lệ lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm này vẫn đang ở mức cao 6,23% sát với mức nguy hiểm là 7%.

Hồi mùa Hè vừa qua, Chính phủ Italy đã thông qua một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trọn gói nhằm cân bằng thâm hụt ngân sách vào năm 2013. Tuy nhiên, Chính phủ Berlusconi vẫn bị dư luận rộng rãi chỉ trích là quá chậm chạp trong việc nhất trí cũng như thực hiện các biện pháp cải cách.

Hiện có nhiều ý kiến lo ngại rằng Thủ tướng Berlusconi sẽ vẫn không tập trung được vào tiến trình cải cách phức tạp ở nước này trong bối cảnh ông đang dính líu đến một loạt vụ bê bối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục