Italy thông qua nghị định cải cách để tận dụng quỹ phục hồi của EU

Italy, đã trình bày kế hoạch phục hồi vào tháng 4/2021, là nước được hưởng lợi lớn nhất từ quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro, được thiết lập để hỗ trợ 27 nước thành viên EU phục hồi sau đại dịch.
Italy thông qua nghị định cải cách để tận dụng quỹ phục hồi của EU ảnh 1Thủ tướng Italy Mario Draghi (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra dưới hình thức trực tuyến, tại Rome, Italy ngày 21/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Italy ngày 28/5 đã thông qua một nghị định trong đó quy định cách thức giám sát các khoản đầu tư do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục cho các công trình công cộng, đây được xem là một bước quan trọng để Italy nhận được tài trợ từ quỹ phục hồi của EU.

Những cải cách trong Kế hoạch phục hồi mà Italy đã cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ được "bật đèn xanh" và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 205 tỷ euro (250 tỷ USD) cùng các khoản vay lãi suất thấp đầu tiên sẽ được Brussels giải ngân vào tháng 8/2021.

Nghị định này, vốn là chủ đề của các cuộc đàm phán căng thẳng với các tổ chức công đoàn, sẽ được trình lên EC phê duyệt.

Italy, đã trình bày kế hoạch phục hồi vào tháng 4/2021, là nước được hưởng lợi lớn nhất từ quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro, được thiết lập để hỗ trợ 27 nước thành viên châu Âu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Mario Draghi, các bộ trưởng và thứ trưởng liên quan sẽ chịu trách nhiệm điều hành kế hoạch này, còn Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xử lý những trở ngại trong quá trình đầu tư.

[Quan chức EU nhận định về gói kích thích kinh tế bổ sung]

Trong một thông báo cuối ngày 28/5, Văn phòng Thủ tướng Italy cho hay một cơ quan kiểm toán riêng biệt thuộc Văn phòng kế toán nhà nước có nhiệm vụ ngăn chặn các trường hợp gian lận, tham nhũng hoặc xung đột lợi ích.

Thủ tướng Draghi sẽ có nhiều quyền hạn để chỉ định các ủy viên đặc biệt nếu bất kỳ mục tiêu nào trong kế hoạch gặp rủi ro.

Do cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2023, nên nghị định này cũng thành lập một "cơ quan kỹ thuật" thuộc văn phòng nội các, được duy trì hoạt động cho đến năm 2026, để đảm bảo các dự án đầu tư được đưa vào thực hiện ngay cả sau khi thay đổi chính phủ.

Tiền của Quỹ Phục hồi EU sẽ được giải ngân từng phần trong điều kiện Italy sẽ tiếp tục cải cách các lĩnh vực bao gồm hệ thống thuế, cải cách tư pháp và các biện pháp chống độc quyền theo một mốc thời gian nghiêm ngặt được xác định trước.

Trong kế hoạch cải cách sơ bộ ban đầu mà Thủ tướng Draghi cam kết với EU, được thông qua ngày 20/5, một số biện pháp giúp việc cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo mới như các cơ sở năng lượng Mặt Trời nhỏ trở nên đơn giản hơn.

Các biện pháp khác nhằm đẩy nhanh tốc độ kết nối siêu nhanh trên toàn quốc, với thời gian lắp đặt các thiết bị điện thoại di động và cố định sẽ giảm từ sáu tháng xuống còn 90 ngày.

Một điểm chính gây tranh cãi với các tổ chức công đoàn là kế hoạch giúp các công ty dễ dàng thắng thầu các hợp đồng phụ để thực hiện dự án hơn.

Các tổ chức công đoàn cho hay điều này sẽ dẫn đến lương giảm và người lao động bị bóc lột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục