Kết nối doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực đồ uống

Nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng Việt Nam cũng như xây dựng mạng lưới phân phối trong lĩnh vực đồ uống, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị để kết nối doanh nghiệp sản xuất và thương mại.
Kết nối doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực đồ uống ảnh 1Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực đồ uống (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng nay (23/9) tại Hà Nội Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong ngành đồ uống nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, mặc dù ngành đồ uống đã có sự phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như tạo động lực quan trọng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, vận tải, cơ khí, hóa sinh, sản xuất bao bì, dịch vụ... phát triển.

Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh và xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành đồ uống trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức và một trong những lo ngại lớn chính là khả năng thu hẹp quy mô sản xuất.

Chính vì vậy, việc liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại là động lực quan trọng giúp ngành đồ uống có một vị thế lớn hơn, nhằm giảm chi phí cũng như có thể tạo ra một hệ thống khép kín từ sản xuất-phân phối-lưu thông để phục vụ người tiêu dùng, từ đó có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu.

Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng nhấn mạnh, để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống cần nỗ lực ứng dụng công nghệ mới, quan trọng hơn là phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm qua đó tận dụng những ưu thế thị trường và hướng tới sự phát triển bền vững.

Thống kê của Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát (VBA) cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân đối với lĩnh vực nước giải khát giai đoạn từ 2008-2011 luôn ở mức 17,03%/năm, nhưng từ 2012 đến nay, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, chỉ đạt mức 6%/năm và đến năm 2014 tăng trưởng chỉ xấp xỉ 4%/năm.

Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA là do áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ, thủ công đã phải chịu sức ép giải thể và nguy cơ thôn tính từ các đối thủ lớn đến từ nước ngoài.

Đặc biệt do hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) dần bị xóa bỏ, thuế nhập khẩu các mặt hàng đồ uống sẽ về mức 0% khiến sức cạnh tranh giữa hàng ngoại và hàng nội càng lớn hơn.

Trước thực tế đó, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng là chính sách quan trọng đưa ngành đồ uống Việt Nam vươn lên, đảm bảo ổn định sản xuất cũng như tạo ra mạng lưới phân phối vững chắc, qua đó giữ vững được thị trường nội địa.

"Những thách thức của ngành đồ uống trong nước cần được khắc phục bằng cách nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ...," Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục