Khắc phục hậu quả bom mìn trên lãnh thổ Việt Nam

Tiến sĩ Phạm Quốc Trụ, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã trả lời phỏng vấn về khắc phục hậu quả bom mìn.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam đã được thống nhất về mặt lãnh thổ, song hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đều đã và đang phải gánh chịu những hệ quả của bom mìn và vật nổ.

Nhân kỷ niệm 38 năm chiến thắng lịch sử, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn tiến sĩ Phạm Quốc Trụ, Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

- Tiến sĩ có thể cho biết ý nghĩa cũng như biểu tượng của "chiếc ghế gẫy" đặt tại Quảng trường ngay trước lối vào chính của trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva?

Ông Phạm Quốc Trụ: Chiếc ghế gẫy (Broken Chair, chiếc ghế bốn chân nhưng gẫy một chân) được đặt tại Quảng trường các Dân tộc đối diện với cổng chính tòa trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva là một tác phẩm của nghệ nhân người Thụy Sĩ Daniel Berset, để tưởng nhớ những nạn nhân bị tàn tật do bom mìn gây ra.

Chiếc ghế gẫy cao trên 20m và được làm từ khoảng 5,5 tấn gỗ này cũng là một biểu tượng phát tín hiệu yêu thương, lời kêu gọi của xã hội phản đối sử dụng mìn sát thương cá nhân và bom bi gửi đến các vị lãnh đạo các nước khi đến Geneva.

Ý tưởng này do Hiệp hội quốc tế những người tàn tật của Thụy Sĩ đưa ra và chiếc ghế gẫy được dựng lên vào tháng 8/1997, ba tháng trước khi ký Hiệp ước Ottawa - một công ước quốc tế về cấm sử dụng, tàng trữ, phổ biến và chuyển giao mìn sát thương cá nhân.

Lúc đầu người ta dự kiến chỉ đặt chiếc ghế này tại Quảng trường các dân tộc một thời gian ngắn, nhưng sau đó do số lượng các nước tham gia ký và phê chuẩn Hiệp ước Ottawa không nhiều (khoảng 40 nước cho đến tháng 3/1999), mặt khác cũng nhờ được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng nên người ta đã giữ lại chiếc ghễ gẫy tại vị trí đó cho đến nay.

Ngoài biểu tượng ban đầu chống lại mìn sát thương, sau này chiếc ghế gẫy chân đó còn được gắn thêm ý nghĩa như một lời kêu gọi quốc tế chống lại bom đạn chùm khi mà năm 2007 diễn ra việc ký Công ước về bom đạn chùm (còn gọi là Công ước Oslo).

Mục tiêu ban đầu của Handicap International khi đưa ra ý tưởng chiếc ghế gẫy là mong muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hậu quả của mìn sát thương đồng thời cũng là lời kêu gọi các nước hãy ký và tham gia vào Hiệp ước Ottawa nhằm loại bỏ mìn sát thương và giúp đỡ các nạn nhân của mìn.

- Tiến sĩ có thể cho biết việc khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam và sự giúp đỡ của thế giới trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh?

Ông Phạm Quốc Trụ: Sau chiến tranh kết thúc năm 1975, Việt Nam tiếp tục gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của bom mìn để lại. Trên 20% diện tích Việt Nam (tương đương với 6,6 triệu ha) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng số lượng bom mìn còn sót lại khoảng 800.000 tấn (bao gồm cả bom, mìn, tên lửa, đầu đạn pháo, cối và vật nổ khác… nằm ở các độ sâu khác nhau).

Từ sau chiến tranh đến nay, trên 104.000 người đã bị chết và bị thương tật do bom mìn và vật nổ còn sót lại. Trung bình mỗi năm, bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Trong mấy chục năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hết sức hỗ lực tiến hành rà phá bom mìn sót lại. Hàng năm, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công tác này.

Ước tính Việt Nam đã làm sạch được khoảng 4% diện tích bị ô nhiễm bom mìn. Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức xã hội cũng có nhiều nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn, cứu chữa và khắc phục khó khăn trong cuộc sống.

Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 và tiếp đó thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình này (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504) và đích thân Thủ tướng làm Trưởng Ban.

Mục tiêu của Chương trình này là huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, triển khai các nỗ lực giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân và hòa nhập họ vào đời sống xã hội.

Song song với những nỗ lực tự thân, Việt Nam cũng tích cực vận động sự trợ giúp quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ để rà phá và khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.

Nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và Na Uy ... đã có nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt như Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva, Tổ chức Golden West, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy, Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam... cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ đáng kể cho Việt Nam trong việc rà phá và khắc phục hậu quả bom mìn.

Giúp đỡ của quốc tế dành cho Việt Nam chủ yếu gồm: cung cấp tài chính, thiết bị kỹ thuật, dụng cụ, thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, hỗ trợ nạn nhân...

- Với tư cách là Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác, tiến sĩ có thể cho biết sự tham gia của Phái đoàn tại các khóa họp của Hội nghị giải trừ quân bị (CD) tại Geneva?

Ông Phạm Quốc Trụ: Việt Nam tham gia CD với tư cách quan sát viên từ năm 1990 và chính thức là thành viên từ năm 1996. Năm 1998 và 2009, Việt Nam đã hai lần đảm đương vai trò là Chủ tịch CD.

Với vị trí là Chủ tịch Thứ nhất của CD, năm 2009, Việt Nam đã phát huy tích cực và khéo léo vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào việc tạo sự đồng thuận để đạt được Chương trình Nghị sự của CD khóa 2009 và góp phần cùng với các đồng Chủ tịch của Hội nghị thông qua được Chương trình làm việc của CD lần đầu tiên kể từ năm 1996.

Hiện nay, Việt Nam đang là Điều phối viên của Nhóm G21 tại CD.

Nhìn chung, Việt Nam đã tham gia khá tích cực vào các hoạt động và các thảo luận tại các diễn đàn CD.

Việt Nam đã thể hiện rõ ràng quan điểm và lập trường của mình về vấn đề giải trừ quân bị, giữ gìn hòa bình và an ninh cũng như về tất cả các vấn đề cụ thể được thảo luận tại các diễn đàn CD.

Hoạt động của Phái đoàn tại CD đã góp phần làm tăng vị thế của đất nước và cũng đồng thời góp phần tăng cường quan hệ của Việt Nam với nhiều nước./.

Tố Uyên-Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục