Khai mạc Hội nghị hòa bình liên bang Myanmar ở Nay Pyi Taw

Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar khai mạc ở Nay Pyi Taw nhằm thảo luận các khuôn khổ đối thoại chính trị quốc gia, chấm dứt xung đột.
Khai mạc Hội nghị hòa bình liên bang Myanmar ở Nay Pyi Taw ảnh 1Cố vấn nhà nước - Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sáng 31/8, Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar, còn gọi là Hội nghị Panglong thế kỉ 21 đã chính thức khai mạc thủ đô Nay Pyi Taw để thảo luận về các khuôn khổ đối thoại chính trị quốc gia nhằm chấm dứt các cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia và các nhóm vũ trang sắc tộc suốt gần 7 thập kỷ qua.

Tham dự hội nghị có khoảng 1.800 đại biểu của Chính phủ, quân đội Myanmar, các nhóm vũ trang sắc tộc, các chính đảng, các nhà ngoại giao nước ngoài, các tổ chức tài trợ hòa bình và các tổ chức quốc tế.

Khác với những thỏa thuận ngừng bắn hay hội nghị hòa bình trước đây, vốn chỉ gói gọn với một số cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số nhất định và cũng chưa có thỏa thuận nào duy trì được hiệu lực lâu dài, tại hội nghị lần này Chính phủ Myanmar đã mời gần như tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, kể cả những nhóm chưa ký vào Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) hồi tháng 10/2015.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh bước tiến đáng ghi nhận của tiến trình hòa bình tại Myanmar cũng như nỗ lực của chính phủ nước này trong việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài gần 70 năm.

Ông Ban Ki-moon khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa bình ở Myanmar và kêu gọi các lực lượng chính trị, vũ trang sắc tộc ở quốc gia Đông Nam Á này thể hiện sự kiên nhẫn và quyết tâm xây đắp hòa bình trên tình thần hòa hợp quốc gia.

Theo chương trình hội nghị, trong ngày đầu tiên, Ủy ban Đối thoại Hòa bình Liên bang (UPDJC), Ủy ban Giám sát hỗn hợp (JMC) và Ủy ban Trù bị Hội nghị Hòa bình Liên bang sẽ trình bày các báo cáo về khuôn khổ đối thoại chính trị và đối thoại chính trị cấp quốc gia.

Tổng cộng sẽ có 76 diễn giả thuộc 3 nhóm đại biểu đăng đàn phát biểu trong 3 ngày tiếp theo. Nhóm đại biểu đầu tiên gồm đại biểu chính phủ, các tổ chức vũ trang sắc tộc và các chính đảng, nhóm thứ hai gồm các nghị sỹ quốc hội, các nhóm vũ trang và lực lượng chính trị, trong khi nhóm thứ ba gồm đại diện quân đội và các nhóm vũ trang khác.

Trong ngày cuối cùng của hội nghị, các đại biểu sẽ biểu quyết về nội dung chính thức được thảo luận để đặt nền tảng cho việc chấm dứt xung đột trên toàn quốc.

Giới quan sát đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Myanmar khi đẩy mạnh tiến trình hòa bình và xúc tiến tổ chức Hội nghị hòa bình liên bang.

Theo giới quan sát, hội nghị hòa bình lần này, nếu thành công sẽ giúp định hình tương lai chính trị của Myanmar – một nhà nước liên bang với sự chung sống bình đẳng và hòa hợp lợi ích giữa các sắc tộc.

Chính phủ mới của Myanmar dưới sự lãnh đạo của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cũng đang ở vị thế hết sức thuận lợi cả về nội trị lẫn quan hệ quốc tế để thay đổi triệt để trạng thái các mối quan hệ sắc tộc ở Myanmar.

Mặt khác, các nhà phân tích thận trọng về việc hội nghị kéo dài 5 ngày này có thể đem đến một giải pháp triệt để ngay lập tức cho cuộc xung đột dai dẳng gần 70 năm qua ở Myanmar.

Theo giới quan sát, thành công của hội nghị trước mắt chỉ mang tính biểu tượng và con đường đi đến một nền hòa bình thực sự ở Myanmar sẽ còn lâu dài và nhiều khó khăn, đòi hỏi các bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục