Khẩn trương di dời dân và tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn

Sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống bão số 16, các tỉnh đã chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão, khẩn trương di dời dân và tàu thuyền đến nơi an toàn.
Khẩn trương di dời dân và tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn ảnh 1Chính quyền phường 1, thành phố Cà Mau tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức phòng tránh bão . (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống bão số 16, tỉnh Bến Tre cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão trong thời gian tới.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, các cấp chỉ đạo cho công nhân ở các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên nhà nước được nghỉ (trừ những người được phân công trực) từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo sơ tán trên 22.100 người tránh bão số 16. Theo đó, các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách đều có người dân nằm trong diện sơ tán. Huyện Bình Đại là huyện có người dân phải sơ tán nhiều nhất (gần 13.400 người).

Tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân đến nơi tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 25/12.

Ngày 25/12, Bến Tre tạm ngừng hoạt động đối với tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, kênh rạch,... các khu du lịch (nhất là khu du lịch ven biển, các cồn,...), khu vui chơi giải trí. Tỉnh cũng tạm hoãn thời gian tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành lần thứ I năm 2017 để tập trung phòng tránh, ứng phó bão Tembin.

Chiều 24/12, Đoàn công tác Ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương làm Trưởng đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 16 tại các điểm xung yếu trên địa bàn.

Các địa phương đã quán triệt, triển khai tốt công tác phòng chống bão, nhất là khâu tuyên truyền, di cư sơ tán dân, chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, an ninh trật tự, dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm…

Tuy nhiên, qua kiểm tra còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục như, ý thức người dân trong phòng chống bão còn chủ quan, lơ là, nhất là bà con tại ấp I, thị trấn Gành Hào, đến chiều 24/12, nhiều người chưa chịu di dời, thảm nhiên mắc võng nằm đong đưa ngay trên đê kè.

Tại cửa biển Nhà Mát, nhiều hộ kinh doanh, mua bán chưa chịu di dời, cơi nới đồ đạc, tài sản, nhiều du khách, khách hàng thảm nhiên ngồi ăn uống ngay thân kè. Hơn nữa, một số chủ phương tiện đánh bắt thủy hải sản chưa chấp hành nghiêm lệnh cấm ra khơi; nhiều nhà dân chưa được chằng néo nhà cửa, gia cố ao đầm nuôi trồng thủy sản...

Đáng lo ngại, qua báo cáo của các địa phương, cho thấy công tác phòng chống bão cả cán bộ, người dân còn rất lúng túng. Điển hình như tại cửa biển Nhà Mát, nhiều cán bộ, chủ tàu chưa biết cách, kỹ thuật neo đậu tàu thuyền trú bão tránh va đập; tại cửa biển Gành Hào còn diễn ra việc trồng cây xanh, thi công công trình, xây dựng sửa chữa nhà cửa…

Với những bất cập trên, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đề nghị chính quyền, người dân tập trung cao cho công tác phòng chống bão, ngừng tất cả các hoạt động không cần thiết, các công trình đang thi công, nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trụ sở tại Cần Thơ) đã có văn bản chỉ đạo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão. Trong đó, tập trung đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất.

Trước chỉ đạo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, trong ngày 24/12, Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đã ra thông báo đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất. Hiện tại Cần Thơ có 10 bến tàu khách đang hoạt động đến hết ngày 24/12 sẽ cho tạm ngưng, tiến hành đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Riêng tại Bến Ninh Kiều, các du thuyền cũng được thông báo cho tạm ngưng hoạt động đưa khách tham quan, ăn uống trên sông từ tối 24/12.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch tham quan chợ nỗi Cái Răng, trong ngày 25/12, thành phố Cần Thơ sẽ ngưng hoạt động đưa đón khách du lịch trên sông tham quan Chợ Nổi Cái Răng và chờ đến khi có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại.

Còn tại Trà Vinh, các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa, hoa màu; tôn cao bờ bao, bờ vùng để bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Văn Lâm cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh trong tỉnh nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12 để đảm bảo an toàn. Trường hợp địa phương xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

[TPHCM và các tỉnh Nam Bộ sơ tán hàng trăm nghìn dân ứng phó bão số 16]

Ngày 24/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng đã ký Công văn hỏa tốc thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học tránh bão số 16. Nội dung Công văn yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh các cấp từ mầm non đến trung học và sinh viên các trường trên địa bàn được nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết ngày 26/12. Đồng thời, tổ chức phân công cán bộ, giáo viên trực tại các đơn vị để có biện pháp ứng phó kịp thời và báo cáo nhanh sự việc, biện pháp ứng phó với bão.

Theo dự báo, đến rạng sáng 26/12, bão số 16 có khả năng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đường đi của tâm bão là hướng từ tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Trà Lồng, xã Long Phú (thị xã Long Mỹ), xã Phương Phú, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), xã Thuận Hưng, xã Thuận Hòa, xã Xà Phiên, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) và xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) rồi đi qua xã Hỏa Lựu, xã Tân Tiến, xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh).

Các địa phương cũng rà soát lại những địa điểm trú ẩn an toàn để di dời người dân vùng tâm bão vào hoặc vào hầm trú ẩn mà hội nông dân và hội chữ thập đỏ đã chuẩn bị. Về hậu cần, ngành công thương tỉnh đã chuẩn bị sẵn những nhu yếu phẩm thiết yếu với hơn 3.000 thùng mì gói, 5.000 chai nước; ngành giao thông chuẩn bị 20 phương tiện có sẵn để điều tiết, hỗ trợ cho khoảng 1.000 hộ dân di dời khỏi vùng tâm bão. Ngành y tế cũng dự trữ thuốc men tại các trạm, trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời; ngành quân sự, công an thì sẵn sàng lực lượng dân quân cơ động, ứng chiến tại địa phương, cổng rào an ninh và luôn trên tinh thần ứng phó.

Ứng phó với bão số 16, đến tối 24/12, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản di dời xong hàng ngàn hộ dân ở ngoài đê vùng ven biển, ven sông lớn thuộc địa bàn các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng đã liên tục có các công văn chỉ đạo các địa phương, ngành, đoàn thể thông báo khẩn trương di dời dân ngoài tuyến dê biển vào nơi trú ẩn an toàn trước 17 giờ ngày 24/12; giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã thông báo và di dời tất cả các hộ dân trên tuyến ngoài đê biển vào nơi trú, tránh bão đã được bố trí; đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm việc di dời. Tổ chức các hoạt động di dời, chăm lo đời sống cho người dân tại nơi trú, tránh bão đảm bảo an toàn vệ sinh, nước sạch và an toàn thực phẩm.

Cũng đến chiều tối 24/12, tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi tổng cộng 668 tàu thuyền vào bờ trú bão và liên lạc được với 167 tàu đang khai thác hải sản xa bờ vào Côn Đảo tránh trú bão an toàn. Tại khu vực neo đậu tàu khu vực Cảng Trần Đề, lực lượng chức năng đã bố trí tàu vào các khu vực tránh trú bão an toàn và điều động tàu vào những khu vực luồng lạch ven sông Hậu.

Tỉnh cũng đã bố trí các điểm di dời dân để tùy tình hình cấp độ bão nếu trên cấp 10 có thể di dời cao nhất lên tới 140.000 dân đến nơi trú bão an toàn tại các điểm trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố. Trong ngày 24/12 tỉnh đã sơ tán được hơn 20.000 dân vào nơi trú tránh an toàn.

Lực lượng vũ trang, quân đội, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã huy động lực lượng tối đa sẵn sàng ứng trực, trước mắt đã điều động hơn 2.000 người là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ tới các địa bàn xung yếu, sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn. Đồng thời giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng lực lượng ứng cứu giao thông, cấp phát lương thực, thực phẩm, vận chuyển, cứu chữa nạn nhân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khi có bão đổ bộ vào. Theo dõi, cập nhật thông tin và nắm chắc diễn biến tình hình bão nhằm bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia ứng phó.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học hai ngày 25 và 26/12 và có phương án bố trí lịch học bù sau. Chỉ đạo ngành y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế, ứng trực, chuẩn bị cơ số thuốc men, hóa chất, phương tiện ứng cứu sơ cấp cứu kịp thời nếu có người bị nạn do bão đổ bộ vào và phòng chống dịch bệnh sau bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục