Chiều 26/1, bên lề Đại hội XIII của Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN để làm rõ những “nội hàm mới” trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhằm khơi dậy khát vọng Việt Nam thịnh vượng; đồng thời khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội đất nước?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Liên quan đến Dự thảo Văn kiện trình Đại hội, công tác xây dựng Đảng được nhiều đại biểu quan tâm, đều thống nhất và khẳng định vai trò của Đảng cầm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước. Các đại biểu mong đợi Đại hội sẽ có những điểm mới để củng cố, phát triển hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến mong đợi Đại hội XIII sẽ lựa chọn ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm để bố trí công tác phù hợp, phát huy tối đa năng lực, trình độ, cũng như khả năng lãnh đạo để cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Cùng với đó, các ý kiến đã khẳng định vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Hiến pháp. Về phát triển kinh tế tập thể, Dự thảo Văn kiện nêu ra những khái niệm nội hàm về kinh tế tập thể hiệu quả, hiện đại; từ khâu lập pháp, quy định pháp luật về kinh tế tập thể...
Đối với vai trò của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đại biểu thống thống nhất đây là hai lực lượng mạnh, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế; tuy nhiên cần có sự quản lý, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh tiêu chí số lượng, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả để có được số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, cân đối hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của người đứng đầu trong công tác hoạch định chiến lược đối với lĩnh vực đầu tư công?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Ngay trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Đây là hai nội dung cốt lõi của công tác cán bộ, trong đó liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực cụ thể. Vai trò của người đứng đầu không chỉ là vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà còn liên quan đến tầm nhìn chiến lược, trí tuệ của người lãnh đạo trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công hiệu quả của mỗi đơn vị, địa phương.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công “có tiền mà không tiêu được,” trước đây khi làm kế hoạch bao giờ cũng mong muốn “xin được càng nhiều tiền càng tốt.” Tuy nhiên, theo quy định mới về hiệu quả đầu tư hiện nay, “xin được nhiều tiền thì phải tiêu được," phải tiêu đúng, tiêu có chất lượng, không thể làm dàn trải bởi các quy trình về phê duyệt một dự án rất chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân.
Với vai trò là một trong những cơ quan tham mưu chính trong vấn đề xây dựng các báo cáo về kinh tế-xã hội, tôi mong muốn văn kiện sẽ là một tài liệu gốc mang tính “mở đường," Đảng đề ra chủ trương, đường lối trước, sau đó các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai cụ thể.
- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nhấn của 3 đột phá chiến lược nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong quá trình Dự thảo, có rất nhiều ý kiến về các đột phá chiến lược trong giai đoạn sắp tới. Có những ý kiến cho rằng có thể nhiều hơn 3 đột phá; có ý kiến cho rằng, có thể cập nhật lại nội hàm của các đột phá hoặc thay đổi đột phá... Để tổng hợp các ý kiến, Thường trực Tổ biên tập Báo cáo kinh tế-xã hội rút lại vấn đề, cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá nhưng có cập nhật những “nội hàm mới” trong ba đột phá chiến lược, trong đó đột phá lớn nhất về nguồn nhân lực và hạ tầng.
Đột phá về hạ tầng không chỉ có “hạ tầng cứng” như cầu đường, mặt bằng cơ sở sản xuất, giao thông, điện nước... mà còn có “hạ tầng mềm” - chuyển đổi nền kinh tế số, như trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sáng 26/1, đã nhắc hai lần về vấn đề này. Nội hàm của đột phá trong hạ tầng có phân biệt “hạ tầng cứng và “hạ tầng mềm," trong đó trọng tâm với những hạ tầng lớn có tác động lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh.
[Xây dựng niềm tin về thế hệ lãnh đạo, về sự đổi mới của đất nước]
Đột phá về nguồn nhân lực đã lồng ghép nội dung phát triển về văn hóa, con người trở thành một động lực phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng phát triển của mỗi người về một Việt Nam thịnh vượng, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cùng với đó, không thể thiếu nhiệm vụ lồng ghép khoa học-công nghệ trong phát triển nguồn nhân lực, bởi khoa học-công nghệ gắn liền với con người, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng cao ở đây không chỉ cao về thể chất, mà còn cao về kỹ năng, trí tuệ; nếu người lao động không có 3 yếu tố đó, mãi chỉ là lao động có mức lương thấp, chủ yếu để người khác tận dụng, ít phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.
Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bức xúc trong việc xây dựng đất nước giai đoạn tới. Ngoài vấn đề giáo dục còn phải lồng ghép thêm vấn đề văn hóa, con người, vấn đề về trí lực, thể chất, khoa học công nghệ. Riêng về khoa học-công nghệ, có các nội hàm nhỏ như công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ thông tin, kinh tế số... là những nội dung mới trong đột phá chiến lược.
Trong giai đoạn tới, điều kiện để thực hiện các đột phá này thuận lợi hơn so với giai đoạn trước, nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Thứ nhất, hạ tầng lớn, kinh phí phải lớn hay gọi là “cái vòng luẩn quẩn." Kinh tế muốn phát triển, phải có hạ tầng; hạ tầng lớn, chi phí đầu tư lớn; chi phí đầu tư lớn phải có thu ngân sách lớn; thu ngân sách lớn, kinh tế phải phát triển; kinh tế muốn phát triển, phải có hạ tầng.
Để khắc phục “cái vòng” như thế này phải nhắc đến khái niệm đột phá, đặc biệt đột phá về hạ tầng, để phát triển ở tầm cao hơn hoặc chỉ theo xoáy trôn ốc. Đột phá này chắc chắn đặt ra bài toán lớn về huy động nguồn lực như sự hỗ trợ của đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nợ công, bội chi..., tác động thêm vào quá trình vòng xoay để hạ tầng đi trước, sau đó mới kích thích kinh tế phát triển./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!