Khát vọng hòa bình trên vùng đất thiêng: 81 ngày đêm vang dội

Lớp người này ngã xuống thì lớp người kia đứng dậy cầm súng chiến đấu, không vì mất mát, hy sinh mà thụt lùi ý chí. Có lẽ nhờ sức mạnh tinh thần, ý chí kiên cường ấy đã làm nên lịch sử.
Khát vọng hòa bình trên vùng đất thiêng: 81 ngày đêm vang dội ảnh 1Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 gặp mặt, trò chuyện với cựu chiến binh Ngô Quận (73 tuổi), Đội Trưởng Đội trinh sát An ninh vũ trang của huyện Hải Lăng (ngoài cùng bên phải) tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN phát)

Ròng rã suốt 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972), với ý chí chiến đấu kiên cường, quả cảm của quân và dân ta dưới mưa bom bão đạn của quân thù, Thành cổ Quảng Trị đã góp phần tạo bước chuyển biến chiến lược cả về quân sự, chính trị, ngoại giao trong cuộc chiến chống Mỹ-Ngụy ở giai đoạn quan trọng.

Bản hùng ca bất tử

Vào năm 1972 khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bước sang tình hình mới, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo tập trung khối binh lực lớn tại mặt trận Trị-Thiên với quân số gồm: 5 Sư đoàn, 4 Trung đoàn bộ binh độc lập, 7 Trung đoàn pháo mặt đất, 3 Sư đoàn pháo cao xạ, 2 Trung đoàn tên lửa phòng không, 2 Trung đoàn xe tăng và xe thiết giáp.

Vào tháng Sáu và tháng 7/1972, Bộ Quốc phòng tiếp tục điều động 3 Sư đoàn gồm 320, 312, 325 tăng cường cho chiến trường Quảng Trị.

Qua đó nâng tổng binh lực của ta sử dụng trên hướng chủ yếu lên quy mô lớn nhất, tính từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho tới thời điểm đó.

Về phía địch, với mục đích tái chiếm Quảng Trị nhằm giành lợi thế trong Hội nghị Paris dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 13/7/1972, Mỹ-Ngụy điên cuồng mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72,” trong đó mục tiêu quan trọng nhất là tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị.

[81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Khúc tráng ca bất tử]

Từ ngày 28/6/1972, trong đợt tấn công đầu tiên, không quân Mỹ đã sử dụng 2.014 máy bay chiến thuật với 8.056 lần bay; đồng thời huy động cả máy bay B52 ném hàng trăm nghìn tấn bom xuống Quảng Trị.

Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lượt máy bay phản lực, 70-90 lượt B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử (từ 28/6-16/9/1972) được ví như một “túi bom khổng lồ” do Mỹ-Ngụy tạo nên.

Trước tình hình trên, tiếp nhận sứ mệnh cao cả của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hàng vạn người lính trên khắp mọi miền đất nước đã xung phong đến Quảng Trị chiến đấu với quyết tâm giữ vững lời thề “Còn người còn trận địa, bộ đội còn - Thành cổ Quảng Trị còn.”

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng kí ức về trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong trái tim cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (76 tuổi), nguyên Trợ lý Quân lực của Tiểu đoàn K3-Tam Đảo, dường như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi chia sẻ ông còn nhớ như in trận đánh ngày 23/8/1972. Đây là đỉnh điểm của trận đánh ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị khi lực lượng của ta còn ít người nhưng phải đương đầu với số lượng lớn quân địch trong Đại đội lính thủy đánh bộ của Ngụy.

Lúc này, bằng sức mạnh phi thường và ý chí kiên định, đồng chí Hán Duy Long, chiến sỹ Đại đội 9 đã bắn liên tục 9 quả B40 và 1 quả B41 vào đội hình địch.

Quân ta đã kiên cường đánh trả quân địch khiến chúng phải tháo chạy ra khỏi Thành cổ Quảng Trị ngay sau đó. Hết người này ngã xuống thì người khác xông lên để thực hiện lời thề với Tổ quốc với non sông.

Ý chí quyết chiến, quyết thắng

Trở lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Trần Ngọc Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 vẫn không thể nào cầm được nước mắt.

Tháng 5/1972 ông được chuyển về công tác tại Trung đoàn 48, mật danh Quang Sơn.

Đơn vị của ông có nhiệm vụ cùng 2 Tiểu đoàn bộ đội địa phương chiến đấu bảo vệ Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị.

Khát vọng hòa bình trên vùng đất thiêng: 81 ngày đêm vang dội ảnh 2Cựu chiến binh Trần Ngọc Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN phát)

Cựu chiến binh Trần Ngọc Long kể lại khi vào làm nhiệm vụ tại Thành cổ Quảng Trị, đơn vị đã lấy khẩu hiệu “Quang Sơn còn-Quảng Trị còn” có nghĩa là Trung đoàn 48 còn thì thị xã Quảng Trị sẽ còn.

Thời điểm ấy, bom đạn của địch ngày đêm đánh phá ác liệt, uy hiếp lớn nhất là pháo Hạm đội 7 của Mỹ từ ngoài biển dội vào liên tục.

Mặc dù khó khăn, gian khổ là vậy nhưng ông và các đồng đội luôn nỗ lực chiến đấu hết mình để bảo vệ và canh giữ từng tấc đất, căn nhà, góc phố ở đây.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là trận đánh ngày 8/7/1972 với Tiểu đoàn 8 Thủy quân lục chiến của Ngụy.

Với cách đánh táo bạo, sáng tạo, bất ngờ quân ta đã bố trí sẵn mai phục khiến quân địch chịu tổn thất nặng nề. Đây là một chiến công oanh liệt gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giành được thắng lợi giòn giã, tiêu biểu là thắng lợi của Chiến dịch Trị-Thiên và cuộc chiến đấu kiên cường trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu với các đơn vị bộ đội chủ lực; tiêu diệt hơn 24.000 tên địch; bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự.

Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng được đánh giá có quy mô lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1972 và đã giành được thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược.

Nhớ lại trận chiến đấu ác liệt năm nào, ông Ngô Quận (73 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội trinh sát An ninh vũ trang của An ninh huyện Hải Lăng, chia sẻ trước khi tham gia chiến đấu, ông và các đồng đội đã xác định tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, dù gian khó hiểm nguy vẫn không lung lay ý chí.

Lớp người này ngã xuống thì lớp người kia đứng dậy cầm súng chiến đấu, không vì mất mát, hy sinh mà thụt lùi ý chí. Có lẽ nhờ sức mạnh tinh thần, ý chí kiên cường ấy đã làm nên lịch sử.

Chiến thắng trong Cuộc tiến công chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 có vị trí, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng khi loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, giáng một đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tạo thế lực và cục diện mới cho cách mạng Việt Nam tiến lên thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước. Đây cũng là minh chứng hùng hồn, bất tử về sức mạnh của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới.

Nhận xét về trận chiến 81 ngày đêm lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Chúng ta đã chịu đựng không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm lịch sử đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (trích Bài viết của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành cổ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục