Khi Lào "lọt vào" sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Lào - một quốc gia nhỏ bé và ít dân - là một trong những nước nhận viện trợ lớn của Bắc Kinh.
Khi Lào "lọt vào" sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ảnh 1Sông Mekong đoạn biên giới giữa Lào và Thái Lan. (Nguồn: AFP)

Tờ Korea Times mới đây đã đăng bài viết của Tiến sỹ Nehginpao Kipgen - một nhà chính trị học, Phó Giáo sư, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Jindal - về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và sự tham gia của Lào, nội dung như sau:

Mặc dù dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) tàn phá gần như toàn bộ thế giới, song Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), tận dụng khoảng trống được tạo ra bởi đại dịch kéo dài nhiều tháng qua.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Lào - một quốc gia nhỏ bé và ít dân - là một trong những nước nhận viện trợ lớn của Bắc Kinh.

[Trung Quốc và chiến lược “vũ khí hóa” nguồn nước ở sông Mekong]

Trong quá trình cấp các khoản vay và viện trợ cho Lào, Bắc Kinh có 3 yêu cầu cơ bản đối với Lào, đó là: ủng hộ chính sách của Trung Quốc đối với các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng; các công ty Trung Quốc có thể khai thác tài nguyên của Lào; và cho phép đường dây liên lạc của Trung Quốc chạy qua Lào đến Thái Lan.

Lào không chỉ chấp nhận những yêu cầu này mà còn tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất.

Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các ngành như thủy điện, nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng, tất cả để phục vụ chiến lược hình thành "Con đường tơ lụa mới" có quy mô lớn hơn của Trung Quốc.

Việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào phục vụ BRI, bắt đầu vào tháng 12/2016, liên quan đến 6 nhà thầu Trung Quốc với kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 12/2021.

Tuyến đường sắt dài 414km, kéo dài từ huyện cực bắc Boten của Lào, giáp biên giới Trung Quốc, đến thủ đô Vientiane. Tuyến đường này sẽ tiếp tục kết nối với Thái Lan, Malaysia và Singapore như một phần của tuyến đường sắt liên Á sẽ chạy theo hướng Bắc-Nam từ Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam đến Singapore.

Trước đại dịch, về mặt chiến lược, Trung Quốc đã ưu tiên hết mức cho dự án kết nối này. Tuy nhiên, nhân lực cho công trình gần như đã giảm một nửa do đại dịch và họ phải thực hiện nhiều việc trong cái nóng thiêu đốt của tháng 5.

Bên cạnh đó, có tin cho biết các nhân lực địa phương - những người buộc phải ở nhà do lệnh phong tỏa trên toàn quốc ở Lào - đã không được nhận lương trong 3-4 tháng.

Một dự án quan trọng khác mà Chính phủ Lào đã tham gia là việc xây dựng con đập lớn thứ bảy trên sông Mekong. Đó là đập thủy điện Sanakham có khả năng sản xuất 684MW điện, với thời gian hoàn thành dự án là năm 2028.

Đề xuất xây đập Sanakham đã được Chính phủ Lào ngày 9/9/2019 đệ trình lên Ủy hội sông Mekong (MRC).

Theo đề xuất, con đập này sẽ được xây dựng cách Vientiane 155km về phía Bắc thuộc huyện Sanakham. Tuy nhiên, đề xuất đối mặt với phản ứng dữ dội vì công trình này sẽ tiếp tục chặn dòng sông Mekong, một "động mạch" quan trọng ở Đông Nam Á, vốn đã bị tắc nghẽn.

Các con đập hiện tại như Xayaburi và Don Sahong đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngư nghiệp, nông nghiệp, sinh kế và khu vực bờ sông ở hạ lưu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh dự án.

Do đó, một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã kêu gọi Chính phủ Lào không tiến hành xây dựng một con đập "phá hoại môi trường" nữa trên dòng sông này.

Pianporn Deetes, người phụ trách các chiến dịch tại Thái Lan và Myanmar của tổ chức chống xây đập trên các dòng sông quốc tế, cho rằng: "Đập Sanakham hoàn toàn không nên được xây dựng. Có một số cách ít tốn kém hơn, ít hủy hoại hơn và đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nước có sông Mekong chảy qua nhanh hơn."

Mặc dù phải đối mặt với những vấn đề nhân quyền và môi trường, song Chính phủ Lào đã cam kết phục tùng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Lào nên làm gì?

Có lẽ, Lào có thể xem xét đa dạng hóa các dự án đầu tư của mình với các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản và không chỉ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.

Sự kết giao duy nhất với Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh dễ dàng nắm giữ và biến Lào thành công cụ để đạt được các lợi ích chiến lược của riêng Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng "làm ngay đỡ gay hơn sau này" bởi Lào là một trong những quốc gia hàng đầu có nguy cơ rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, khiến nước này dễ bị phụ thuộc về tài chính và không thể đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Trong khi tham gia các dự án với các quốc gia khác, Lào nên lưu ý rằng không nên làm phiền các quốc gia láng giềng như Thái Lan và nên tham vấn các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân địa phương về các quyết định quan trọng này.

Lào đã xúc tiến dự án xây đập Xayaburi với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của người dân Thái Lan. Trong nỗ lực trở thành "cục pin của Đông Nam Á," Lào không thể và không nên hành động mà không tham khảo ý kiến của người dân địa phương.

Ủy hội sông Mekong (MRC) hiện bị lu mờ bởi Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong do Trung Quốc khởi xướng.

MRC là một sáng kiến mới, được đưa ra vào năm 1995, khi có sự hợp tác giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm quản lý con sông cùng các tài nguyên mà nó mang lại.

Năm 2010, MRC đã kêu gọi một lệnh cấm xây dựng các đập thủy điện lớn trên dòng sông Mekong trong 10 năm, ghi nhớ những lợi ích lớn nhất của khu vực. Tuy nhiên, tổ chức này đã không thể thực thi khuyến nghị riêng của mình.

Lợi dụng tình hình, Trung Quốc đã đưa ra Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong để thúc đẩy BRI.

Khi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc tăng lên, các quốc gia dễ bị “lung lay” như Lào, Sri Lanka và Djibouti nên xem xét kỹ hơn các dự án chiến lược của Trung Quốc tại các quốc gia tương ứng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục