'Khi nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ Việt Nam, chúng tôi sẽ đón'

Những tiếp viên hàng không gạt bỏ những hiểm nguy, hy sinh bản thân để đưa đón những hành khách từ vùng dịch COVID-19 trở về Việt Nam an toàn.
Các phi công, tiếp viên mặc trang phục bảo hộ trước khi thực hiện chuyến bay đến châu Âu. (Ảnh: VNA)
Các phi công, tiếp viên mặc trang phục bảo hộ trước khi thực hiện chuyến bay đến châu Âu. (Ảnh: VNA)

Hạ cánh trở về từ Pháp ít hôm, tiếp viên Nguyễn Phương Ly lại kéo valy lên đường làm nhiệm vụ. Điểm đến tiếp theo là London Heathrow (Vương quốc Anh) - nơi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát dữ dội.

Đêm nay, Ly lại cùng với 15 thành viên khác của phi hành đoàn Vietnam Airlines sẽ trải qua 12 tiếng đồng hồ để bay thẳng vào vùng dịch đón đồng bào mình về nước.

Kể lại câu chuyện cách đây mấy ngày, cô tiếp viên xinh xắn cười hiền, bảo sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ khi nào.

Những “chiến binh” áo xanh

Khác với những chuyến bay thường ngày, hôm ấy, Ly xếp gọn chiếc áo dài truyền thống màu xanh da trời để khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ y tế đặc chủng kín mít từ đầu tới chân với găng tay, kính, khẩu trang... để chuẩn bị cho một chuyến bay đặc biệt.

Với cô, mặc bộ quần áo bảo hộ y tế đặc chủng sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm tiếp viên với chuyến bay lịch sử. Đội tiếp viên phục vụ trên tàu bay nhìn nhau qua ánh mắt, truyền lửa nhiệt huyết cho nhau và nhắc nhau hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Sau gần 12 giờ bay, tới nơi, cả tổ bay tuyệt đối tuân thủ theo "quân lệnh mới" đó là quy định cách ly nghiêm ngặt tại khách sạn khi ngủ đêm tại vùng dịch. Vì thế, cánh tiếp viên phải chuẩn bị sẵn những đồ ăn như thịt bò khô, thịt rim... từ trước để làm bữa tối cho cả nhóm. Sau đó, cả tổ đi ngủ sớm để hôm sau trở về.

[Vietnam Airlines yêu cầu khắt khe với phi hành đoàn để tránh COVID-19]

Ly bảo, những ngày qua, rất nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines đã vào những điểm nóng của vùng dịch để không chỉ hoàn thành những hành trình mà còn kết nối yêu thương, chia sẻ tình người.

“Nếu ai đó có hỏi ‘Tổ bay đã đi thẳng vào tâm dịch, có sợ không? Đương nhiên là sợ chứ. Sợ nhiều thứ lắm. Nhưng tất cả chúng tôi không một ai sợ dính dịch bệnh mà mọi người đều có một mong muốn duy nhất đó là đón đồng bào về nước càng sớm, càng nhiều càng tốt,” Ly nhoẻn miệng cười.

Khi kết thúc chuyến bay vào tâm dịch, Ly và đồng nghiệp sẽ được cách ly tại một địa điểm nào đó theo quy định. Cô bảo đó chỉ là chuyện nhỏ bởi điều quan trọng nhất là tiếp viên Vietnam Airlines đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước đoàn kết, đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19.

'Khi nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ Việt Nam, chúng tôi sẽ đón' ảnh 1Tiếp viên Nguyễn Phương Ly của Vietnam Airlines (ngoài cùng bên phải) mặc đồ bảo hộ y tế đặc chủng trong chuyến bay tới Anh. (Nguồn: VNA)

Là người thường bay các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines đi Đức, tiếp viên trưởng Ngọc Trâm bảo, phi hành đoàn phải đeo khẩu trang tới 16-18 tiếng khiến tai bị đau, khuôn mặt hằn lên vết trầy xước và khó chịu, tay phồng rộp vì đeo găng quá lâu. Tất cả tiếp viên đều phải thực hiện nghiêm túc vì đó chính là bảo vệ bản thân mình cũng như cho gia đình, đồng nghiệp và hành khách.

Trên tất cả các chuyến bay, Trâm và đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức để đảm bảo tất cả mọi hành khách trên máy bay đều thoải mái, hài lòng và an toàn.

“Khi máy bay hạ cánh, đưa vào khu cách ly, tiếp viên vẫn tự nguyện và hạnh phúc để làm như vậy bởi vì đây là công việc lựa chọn,” Trâm thành thật chia sẻ.

Sát cánh đồng nghiệp để "không một ai bị bỏ lại"

Trước thời khắc bay tới Anh, cả đêm, tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh không ngủ được bởi nằm miên man nghĩ tới tin nhắn mẹ gửi: "Tình hình dịch bệnh sợ thế này hay là xin nghỉ đi con." Mở trang báo, con số người tử vong vì dịch bệnh này đã vượt 10.000 người, cô không thể không lo lắng.

Thế nhưng, sau đó là một niềm trăn trở của cô gái này khi còn nhiều người Việt Nam đang sinh sống giữa vùng dịch châu Âu có tâm nguyện muốn về quê hương, còn bao nhiêu người cha người mẹ đau đáu muốn gặp con cái của mình khi họ đang ở nơi dịch bệnh bùng phát...

Dồn dập nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu như khi bước lên máy bay ai biết trước được chuyến bay của mình có hành khách nào nhiễm bệnh, liệu con virus đấy có chừa mình ra không...? Minh thầm nghĩ, nghề tiếp viên rất đặc thù, những khi dịch bệnh càng bay càng nguy hiểm, bởi mỗi chuyến bay là một trận chiến vì môi trường làm việc là tuyến đầu tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn con người tới từ khắp nơi trên thế giới...

[Hàng trăm tiếp viên Vietnam Airlines xin không nhận lương]

'Khi nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ Việt Nam, chúng tôi sẽ đón' ảnh 2Tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh luôn sát cánh bên các đồng nghiệp để thực hiện các chuyến bay đưa người Việt từ châu Âu về nước giữa dịch bệnh COVID-19.

Vội vàng nhắn gửi cho mẹ trước khi thực hiện chuyến bay, Minh viết: “Con không nghỉ được, sẽ không nghỉ trừ khi sức khoẻ không đủ để đi. Đó là nhiệm vụ và trọng trách của mình. Làm sao có thể ích kỷ vì lo sợ cho bản thân để trốn tránh, đùn đẩy hiểm nguy cho đồng nghiệp khác. Nên mẹ ạ, mẹ đừng lo lắng!”

Có một Slogan mà suốt những ngày qua mà tất cả tiếp viên của Vietnam Airlines đều nằm lòng và coi đó là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những hành trình trong mây của mình: “Chừng nào hành khách vẫn lựa chọn, chúng tôi sẽ bay. Chừng nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ Việt Nam, chúng tôi sẽ đón. Chừng nào trên bầu trời này vẫn có chiếc máy bay hình Bông sen vàng, chúng tôi sẽ vẫn lên đường làm nhiệm vụ. Vì chúng tôi là tiếp viên Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.”

Và, những tiếp viên như Minh, Ly hay Trâm vẫn tiếp tục đi trên các chuyến bay Vietnam Airlines trong mùa dịch COVD-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới để sát cánh bên đồng nghiệp trong cuộc chiến để "không một ai bị bỏ lại."/.

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 20/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán tăng cường vận động người Việt Nam ở nước ngoài ở lại nước sở tại để được hưởng chế độ chăm sóc y tế.

Trong trường hợp bà con vẫn muốn về nước thì phải được tập hợp, tổ chức vào thời điểm thích hợp. Khuyến khích các hãng hàng không bay đến Việt Nam để chở người Việt Nam về nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục