Khó bàn giao mặt bằng dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 đúng hạn

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư tổ chức thi công trước ngày 15/7 tới; tuy nhiên, đến việc bàn giao mặt bằng khó đúng kỳ hạn.
Khó bàn giao mặt bằng dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 đúng hạn ảnh 1Trên công trường thi công cầu và đường dẫn vào hầm của dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2016.

Dự án mở rộng từ hầm lánh nạn với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến sẽ khai thác vào cuối năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư tổ chức thi công trước ngày 15/7 tới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc bàn giao mặt bằng khó đúng kỳ hạn.

Đến đầu tháng Bảy này, khối lượng thực hiện hạng mục thi công cầu và đường dẫn hầm Hải Vân 2 đoạn phía Bắc thuộc địa phận Thừa Thiên-Huế mới đạt khoảng 25%; chậm khoảng 13% so với tổng tiến độ dự án đề ra.

Nguyên nhân là do một số hộ dân cản trở thi công vì cho rằng chủ đầu tư hỗ trợ đền bù chưa thỏa đáng.

Khi dự án này thi công có tới hàng trăm hộ bị ảnh hưởng do môi trường nước không đảm bảo cho việc nuôi cá lồng trên đầm Lập An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân ở đây. Đó là chưa kể việc áp giá đền bù cho cho 25 hộ dân phải di dời để giải phóng mặt bằng thi công công trình.

[Bàn giao mặt bằng dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 trước 15/7]

Hiện tại, chủ đầu tư đã nhận được 18/19ha mặt bằng, đạt 94,2% diện tích cần giải tỏa, di dời.

Tuy nhiên, "nút thắt" khó nhất là hạng mục tuyến đường dẫn phía Bắc và mố A1 cầu Hải Vân 2 hiện còn vướng mặt bằng của 18 hộ dân chưa nhận tiền đền bù với lý do đề nghị kiểm đếm, phúc tra lại khối lượng giải tỏa, bồi thường và đơn giá đền bù hiện tại thấp so với thực tế.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 12/6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc đã có Công văn số 2025/UBND-GPMB gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc đề nghị phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.

Ngày 29/6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

Khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, các đơn vị chức năng đã kiểm kê, xem xét và sẽ áp giá đền bù mới. Tuy nhiên, việc này phải chờ quy trình, nhanh nhất cũng phải sau 20 ngày nữa mới soát xét lại tài sản, tiến hành đền bù đầy đủ cho người dân.

Về tình hình cá nuôi lồng bị chết ở thôn An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (xảy ra từ năm 2017), các hộ nuôi cá lồng ở đây cho rằng nguyên nhân cá chết là do việc xả thải thi công cầu vượt số 2 vào hầm Hải Vân nên kiến nghị dừng thi công và đòi bồi thường thiệt hại.

Đến cuối tháng Năm vừa qua, các cơ quan chức năng đã phê duyệt giá trị đền bù cho 25 hộ dân với số tiền nhà đầu tư chi trả hơn 5,3 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã có chủ trương hỗ trợ 1 vụ nuôi trồng thủy sản cho các hộ bị thiệt hại, nhưng việc kiểm đếm, thống kê để hỗ trợ cho người dân của chính quyền huyện Phú Lộc vừa chậm, lại thiếu thống nhất khiến vụ việc kéo dài, dẫn đến các hộ dân tiếp tục có hành động phản đối, cản trở đơn vị thi công.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Thùy thường xuyên ngăn cản thi công. Hay như khi đơn vị thi công trụ cầu P10 và P7 thì có một số trường hợp cố tình thả nhiều lồng bẫy tôm trong phạm vi thi công các hạng mục dưới nước nhằm cản trở nhà thầu.

Mặt khác, người dân địa phương cho rằng, việc làm đường công vụ từ phía Bắc đèo Hải Vân, nối ra giữa đầm dài chừng 200m, rộng từ 7 đến 10m đã ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở, bồi lắng cho khu vực lân cận thuộc đầm Lăng Cô và đầm Lập An.

Khó bàn giao mặt bằng dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 đúng hạn ảnh 2Trên công trường thi công cầu và đường dẫn vào hầm của dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Có tình trạng người được hỗ trợ đền bù, người không. Trong khi đó, khu vực này có gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng (kể cả trực tiếp và gián tiếp); trong đó có 300 hộ chuyên làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá với nhiều tàu thuyền công suất nhỏ, thường xuyên neo đậu ở đầm Lăng Cô.

Đáng chú ý, từ ngày xây đường công vụ để thi công dự án, phần mặt nước phía bên làng An Cư Đông 2 chảy xiết hơn, gây va đập tàu thuyền, lồng cá; xói lở và bồi lắng nhiều đoạn bờ cát ven làng. Người dân yêu cầu cần có đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất để có sự bồi thường thỏa đáng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đền bù đối với dự án thi công cầu và đường dẫn hầm Hải Vân 2 đoạn phía Bắc thuộc địa phận Thừa Thiên-Huế chưa tạo được sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.

Thậm chí khi phóng viên đến tác nghiệp tại hiện trường cũng bị lực lượng bảo vệ của Ban quản lý Dự án hầm Hải Vân 2 cản trở dù đã xuất trình đầy đủ giấy tờ.

Ban quản lý Dự án hầm Hải Vân 2 cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thỏa đáng đối với sản xuất và đời sống người dân. Bởi, chừng nào chưa có sự đồng thuận từ phía người dân thì việc giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục