Khởi đầu ấn tượng của ngành du lịch Hà Tĩnh trong năm 2024

Trong số hơn 188.000 du khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ở tỉnh Hà Tĩnh những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, có 10.500 lượt khách lưu trú, trong đó có gần 400 khách quốc tế.

Rất đông du khách tham quan chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TXVN)
Rất đông du khách tham quan chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TXVN)

Đầu năm Giáp Thìn 2024, ngành Du lịch Hà Tĩnh đón những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao, nhất là ở các điểm du lịch tâm linh.

Trong tổng số hơn 188.000 khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh những ngày đầu năm mới, có 10.500 lượt khách lưu trú, trong đó có gần 400 khách quốc tế.

Theo bà Võ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, du lịch Hà Tĩnh năm 2024 khởi đầu ấn tượng với lượng khách tăng hơn 41.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều khu, điểm du lịch có lượng du khách tham quan đông như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, trung bình đón từ 3.000-5.000 lượt khách/ngày; đền Chợ Củi đón khoảng 5.000 lượt khách/ngày.

Một số địa phương thu hút lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng lớn như thị xã Kỳ Anh gần 68.000 lượt; huyện Nghi Xuân trên 46.000 lượt; huyện Can Lộc gần 29.000 lượt…

Tại Khu Du lịch chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, những ngày sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 đã có hàng vạn du khách, thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc. Chùa Hương Tích là di tích văn hóa nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, một trong những danh thắng nổi tiếng, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam.” Sự tích ngôi chùa gắn liền với huyền thoại dân gian về Công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh.

Với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có núi, có hồ, hệ thống cáp treo và xe điện hiện đại và vẻ cổ kính, linh thiêng của ngôi chùa Hương Tích tự cổ giữa núi rừng đã làm cho Khu Du lịch Chùa Hương Tích ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành điểm đến mỗi dịp đầu năm của nhiều du khách.

Bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng ban Quản lý khu du lịch chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết chỉ riêng ngày khai hội, mùng 6 tháng Giêng vừa qua, chùa Hương Tích đã đón 6.000 lượt khách tham quan. Tính cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, chùa đã đón 25.000 lượt khách.

Thời gian này, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức góp phần làm cho Lễ hội chùa Hương Tích năm nay thêm phần náo nhiệt, mở ra nhiều tín hiệu vui trong phát triển du lịch trên quê hương Hà Tĩnh.

ttxvn_khu_di_tich_nga_ba_dong_loc.jpg
Du khách dâng hương tại khu mộ 10 Nữ Liệt sỹ Thanh niên xung phong. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc những ngày đầu năm mới cũng thu hút lượng khách tăng đột biến đến du Xuân và viếng thăm nơi an nghỉ của các Liệt sỹ thanh niên xung phong.

Nhằm phục vụ nhu cầu của du khách, năm nay, Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã xây dựng thêm các tiểu cảnh, điểm check in... Sau khi tham quan, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ, mọi người có thể trải nghiệm những không gian mới mang hương vị Tết cổ truyền, để những chuyến hành hương du Xuân về với Ngã ba Đồng Lộc của mỗi du khách đều trở nên trọn vẹn, ý nghĩa hơn.

Anh Đặng Quốc Vũ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cho biết để đón tiếp các đoàn du khách về dâng hương, tưởng niệm, Ban Quản lý đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và bố trí cán bộ, hướng dẫn viên nói chuyện giúp cho du khách hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương. Ban quản lý cũng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.

Chị Phạm Thị Đông, khách du lịch, trú tại phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ năm nay, gia đình chị chọn Hà Tĩnh là điểm du Xuân đầu năm thăm, vãn cảnh các danh thắng như chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc để con được tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ và tự hào truyền thống quê hương dân tộc. Chị Đông bày tỏ ấn tượng với các dịch vụ du lịch ở Hà Tĩnh được phục vụ chu đáo, sạch sẽ, giá cả vừa phải, không có tình trạng “chặt chém” khách du lịch.

Dự đoán, khách du lịch đến Hà Tĩnh sẽ còn tăng cao đến hết tháng Giêng Âm lịch, đặc biệt là tại một số điểm du lịch tâm linh như Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và Đền Bà Hải, ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Khu du lịch Hải Thượng Lãn Ông ở huyện Hương Sơn với Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra ngày 13-15 tháng Giêng.

Nhằm phục vụ tốt nhất du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, khu, điểm du lịch chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết cho mùa du lịch văn hóa tâm linh bằng việc tổ chức các lễ hội đầu năm.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tổ chức các đoàn khảo sát famtrip học tập mô hình từ các địa phương khác, xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh tại Lào và lên kế hoạch phối hợp tổ chức khai trương du lịch biển năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục