Sau hai ngày các gia đình “thủ nhang” bàn giao “tay hòm chìa khóa” cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, các hoạt động tín ngưỡng của du khách thập phương đến hành lễ ở đền Chợ Củi (tỉnh Hà Tĩnh) đã nền nếp, đảm bảo an ninh trật tự.
Từ rất lâu, Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi (đền Hoàng Mười) ở xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) xảy ra nhiều bất cập do việc quản lý của một số cá nhân “thủ nhang.”
Mới đây, các cá nhân trên đã bàn giao lại cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch. Từ đó, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cũng như việc đón du khách thập hương về làm lễ cầu an, cầu phúc, cầu lộc ở đây đã nền nếp, an toàn và minh bạch.
Du khách vào làm lễ được Ban Quản lý tổ chức đón tiếp và hướng dẫn hành lễ nghiêm túc, không có hình ảnh lôi kéo, chen lấn. Từ ngoài cổng, các hàng quán bán đồ hành lễ, vàng mã được sắp xếp chỉnh tề, không có hiện tượng chèo kéo du khách, đảm bảo an ninh trật tự. Ông Cao Xuân Hảo (du khách đến từ huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm nay, an ninh trật tự ở đền rất tốt.
Trước đây, việc quản lý đền Chợ Củi do các cá nhân là ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa... thực hiện. Nhiều lần, chính quyền huyện Nghi Xuân đề nghị bàn giao nhưng chưa thực hiện được do các "thủ nhang" cho rằng từ rất lâu đã chăm sóc, chăm coi đền nên chính quyền không được quản lý.
Năm 2011, huyện đã thành lập Ban quản lý, cho phép các gia đình "thủ nhang" quản lý mọi việc ở đền Chợ Củi và đóng góp tiền công đức cho Nhà nước.
Sau một thời gian, việc quản lý tiền công đức cũng như điều hành ở đền đã xảy ra nhiều vấn đề như chèo kéo khách, thu chi tiền công đức không minh bạch... thậm chí xảy ra án mạng tại đền, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc và có kết luận số 07 KL-UBND ngày 5/1/2024 chỉ ra các sai phạm. Theo đó, mặc dù được giao khoán tiền công đức hằng năm phải nộp cho ngân sách Nhà nước là 2,5 tỷ đồng nhưng từ năm 2020-2022, các gia đình “thủ nhang” còn nợ hơn 1,7 tỷ đồng. Riêng năm 2023, các gia đình đã nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng.
Các hoạt động xây dựng, tôn tạo lập am thờ tại đền không theo quy hoạch. Việc hành lễ tự phát không có nền nếp. Việc thu chi trả tiền công cho các lực lượng làm việc không đầy đủ. Các khoản thu giữ vé xe chưa minh bạch. Hoạt động thu chi tài chính, sổ sách không có nên xảy ra mâu thuẫn nội bộ.
Hằng năm, đền Chợ Củi có 3 ngày đại lễ. Tuy nhiên, Ban Tổ chức lễ hội không được thành lập, không tổ chức được phần hội mà chủ yếu là nhân dân, du khách về đi lễ, thực hiện tín ngưỡng mang tính tự phát, lộn xộn.
Mới đây (ngày 15/1), huyện Nghi Xuân và các đơn vị liên quan đã làm việc với các cá nhân (thủ nhang) là gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa... về việc bàn giao lại chìa khóa nội tự, hòm công đức cho chính quyền quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở đền.
Ông Trần Minh Đức, Phó trưởng ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết, sau khi các gia đình bàn giao chìa khóa, đơn vị đã triển khai các hoạt động tín ngưỡng cho du khách; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy.
Ban Quản lý đã niêm phong các hòm công đức; đồng thời kiểm đếm tài sản trong khu vực nội tự của đền. Đơn vị đã có kế hoạch về việc điều hành, quản lý tại đền từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 để đón du khách thập phương đến hành lễ chu đáo, nghiêm túc./.
Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.