Khơi dậy quyết tâm, khí thế vượt qua đại dịch của mỗi người dân

Dù Chính phủ, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cố gắng, quyết liệt đến đâu nhưng cuộc chiến chống dịch sẽ không đi đến thành công nếu thiếu sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân.
Khơi dậy quyết tâm, khí thế vượt qua đại dịch của mỗi người dân ảnh 1Tuyến đường Trương Định, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh vắng bóng người khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chính phủ đang từng ngày nỗ lực chỉ đạo, điều hành cuộc chiến ngày càng ác liệt với dịch COVID-19 trên khắp cả nước. Ngày 19/7, ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đột xuất của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách. Ngày 20/7, Chính phủ triệu tập phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP.

Chống dịch vì dân nhưng cũng là trách nhiệm của nhân dân

Dù Chính phủ, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cố gắng, quyết liệt đến đâu nhưng cuộc chiến chống “giặc dịch” sẽ không đi đến thành công như mong đợi nếu thiếu sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân. Cuộc chiến đấu này là vì tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân Việt Nam nên người dân cả nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, bất chấp dịch COVID-19 với biến thể Delta cực kỳ nguy hại, đang bùng phát mạnh mẽ, mặc dù Chỉ thị 16 và nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác đã được áp dụng tại các địa phương, vẫn còn một số người dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định.

Tại cuộc họp vào ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Thủ tướng nhấn mạnh tới ý thức từ phía người dân trong việc chấp hành các quy định về dịch tễ; kêu gọi người dân hưởng ứng, tham gia: “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.”

Khơi dậy quyết tâm, khí thế vượt qua đại dịch của mỗi người dân ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Còn Nghị quyết số 78/NQ-CP nêu rõ rằng dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định.

Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương; với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết.

Kỷ cương đi đôi với giám sát

Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tự giác chấp hành các quy định về dịch tễ là biện pháp gốc rễ, phát huy tính chủ động, nâng cao ý thức của mọi tầng lớp trong xã hội. Điều này hết sức cần thiết, nhưng đáng tiếc là chưa đủ.

Bên cạnh đó phải có việc kiểm tra, giám sát và thưởng phạt sâu sát từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.

Báo chí đã đưa tin về nhiều trường hợp các quy định phòng, chống dịch bị xử phạt nghiêm minh.

[Sáng 22/7: Có thêm 2.967 ca mắc mới, trong đó 181 ca trong cộng đồng]

Tối 16/7, theo báo Tin Tức (TTXVN), Công an quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) đã tổ chức 26 tổ tuần tra lưu động để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16 tất cả các tuyến đường trên địa bàn. Đến sáng 17/7, Công an quận Ninh Kiều đã phát hiện 103 trường hợp vi phạm với các lỗi như ra đường trong trường hợp không cần thiết; không đeo khẩu trang; không giữ khoảng cách theo quy định; tụ tập từ 2 người trở lên; kinh doanh không đúng quy định… Các tổ tuần tra đã nhắc nhở 90 trường hợp, lập biên bản xử phạt 13 trường hợp với số tiền 37 triệu đồng.

Mới đây, theo phóng viên TTXVN tại địa phương, ngày 19/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và Ủy ban Nhân dân phường Tân Phú đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một tổ chức, 13 cá nhân với tổng số tiền 41 triệu đồng vì vi quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Đồng Xoài phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với một công ty xây dựng về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người. Còn UBND phường Tân Phú xử phạt 13 người lao động tự do về hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân với mức phạt 2 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, các trường hợp bị xử phạt chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với các vụ phi phạm, do vậy tính cảnh cáo, răn đe của pháp luật vẫn chưa cao. Từ đây đặt ra trách nhiệm về sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền.

Ngày 7/5/2021, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Tại Thủ đô Hà Nội, ngày 9/7, trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 trên địa bàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phải tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, bảo vệ bằng được thành quả phòng, chống dịch; kỷ luật thật nặng cán bộ chủ quan, bao che, dung túng cho những vi phạm trong phòng, chống dịch.

Khơi dậy quyết tâm, khí thế vượt qua đại dịch của mỗi người dân ảnh 3Lực lượng chức năng phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) vận chuyển mỳ tôm và trứng hỗ trợ các hộ trong khu vực phong tỏa tạm thời. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, phải chấn chỉnh ngay tình trạng này; đề cao trách nhiệm cá nhân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; lấy hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong địa bàn phụ trách làm một trong những “thước đo” quan trọng để đánh giá cán bộ; bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả phòng, chống dịch ở địa phương; nơi nào vì chủ quan, lơ là mà để xảy ra lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng thì cấp ủy cấp trên vào cuộc phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; cán bộ có hành vi chủ quan, bao che, dung túng cho những vi phạm quy định phòng, chống dịch phải bị kỷ luật thật nặng để làm gương.

Nêu cao vai trò của truyền thông, báo chí, trách nhiệm xã hội của các nghệ sỹ

Trong cuộc sống thường ngày ở bất cứ đâu, trong thời bình cũng như trong “thời chiến chống dịch” hiện nay, luôn có những hiện tượng tích cực và tiêu cực song hành, đan xen.

Phản ánh hiện tượng nào, ở liều lượng như thế nào, với tôn chỉ và mục đích ra sao là do cái tâm và cái tầm của người cầm bút. Viết một cách “tự nhiên chủ nghĩa,” tô thêm mảng màu tối, để những câu chuyện cá biệt, nhỏ lẻ lấn át nỗ lực chống dịch của hàng triệu người nhằm “câu view” để tăng quảng cáo, hay góp thêm tiếng nói đồng lòng cùng Chính phủ và toàn xã hội đẩy lùi COVID-19?

Hiện nay, trong thời điểm nhạy cảm chống dịch quyết liệt, vai trò của báo chí được đề cao, kỳ vọng hơn bao giờ hết.

Một cán bộ địa phương có tác phong chưa chuẩn chỉ đối với người vi phạm quy định phòng, chống dịch; một bác sỹ “ưu ái” người quen trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19; một người đứng đầu doanh nghiệp dịch vụ môi trường cấp sai “giấy thông hành” trong mùa dịch…

Những thông tin này được đưa với liều lượng như thế nào, với thông điệp ra sao đều tác động tích cực hay tiêu cực đến dư luận xã hội, ảnh hưởng tốt hay xấu đến công cuộc chống dịch chung của cả nước. Thông tin chưa kiểm chứng về phản ứng cực đoan của một cá nhân đối với biện pháp giãn cách xã hội hay cắt xén bối cảnh, kiểu như “cấm sử dụng xe hai bánh hoặc di bộ đến nơi làm việc”… làm nhiễu thông tin, gây xáo động lòng người và niềm tin của người dân đối với chính sách chống dịch của Chính phủ.

Ngày 20/6, tại cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bác Hồ, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng,” là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ “phò chính, diệt tà.”

Thủ tướng mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí đối với Chính phủ trong các chương trình hành động sắp tới, trong đó có nhiệm vụ chống đại dịch COVID-19, trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắt, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện được mục tiêu chung.

Trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” hiện nay các nghệ sỹ, người của công chúng lại càng có vai trò quan trọng việc đoàn kết toàn xã hội.

Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” những tấm gương tỏa sáng hay mờ tối của các nghệ sỹ càng dễ nhận biết hơn lúc “trời yên, gió lặng.”

MC Trác Thúy Miêu vừa bị Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng vì bài viết trên trang Facebook cá nhân có nội dung phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động sự phân biệt vùng miền trong thời điểm cả nước gồng mình chống dịch.

Đối ngược là MC Quỳnh Hoa cùng đông đảo các nghệ sỹ của thành phố mang tên Bác đang ngày đêm nhiệt thành đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nhóm nghệ sỹ gồm MC Quỳnh Hoa, cùng các ca sỹ Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, Đăng Nguyên, các đạo diễn Trần Minh Tuấn, Đinh Hà Uyên Thư, Trần Thành Trung, diễn viên Khả Như… trong nhiều tháng qua đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa như hỗ trợ lực lượng y tế xét nghiệm, tiêm vaccine cho người dân thành phố, trao nhiều phần quà có giá trị cho các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, trong đó có Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ở Quận 12; mở “gian bếp 0 đồng,” đi chợ giúp dân.

Các nghệ sỹ Ngô Thanh Vân, người mẫu Xuân Lan, ca sỹ Tóc Tiên, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, ca sỹ Trương Quỳnh Anh, diễn viên Song Luân... cùng một số cầu thủ của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam là Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng... đồng loạt kêu gọi cộng đồng cùng hỗ trợ cho quỹ “Help Vietnam Breathe - Vì nhịp thở Việt Nam.”

Đây là quỹ hỗ trợ mua máy thở để chuyển đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy, các nghệ sỹ bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nhưng đứng trước khó khăn chung của thành phố, các nghệ sỹ không chọn cách thờ ơ, đứng ngoài. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ đã góp phần lan tỏa những thông điệp nhân văn và mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng. Với phương châm "Một người vì mọi người," mỗi nghệ sỹ chọn một hình thức hoạt động phù hợp nhất với điều kiện và năng lực của bản thân.

Đóng góp của các nghệ sỹ dù chi là những viên gạch nhỏ, nhưng các viên gạch đó cùng với hàng triệu viên gạch khác của mỗi người Việt chúng ta hợp sức lại, sẽ dựng lên một tường thành vững chắc ngăn chặn hữu hiệu đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục