Khởi động Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”

Ngày 10/2, Ban Quản lý các Dự án Dạy nghề vốn ODA - Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng các chuyên gia tư vấn tổ chức Hội thảo Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) 7086-VIE, chuẩn bị cho việc nghiên cứu và thiết kế Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

Ngày 10/2, Ban Quản lý các Dự án Dạy nghề vốn ODA - Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng các chuyên gia tư vấn tổ chức Hội thảo Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) 7086-VIE, chuẩn bị cho việc nghiên cứu và thiết kế Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
 
Năm 2008, Chính phủ nước ta đã đề nghị ADB trợ giúp HTKT để chuẩn bị cho Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn lao động kỹ năng nghề cao trong một số lĩnh vực chủ yếu của ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và vùng kinh tế trọng điểm để hỗ trợ có hiệu quả việc phát triển dạy nghề ở Việt Nam.
 
Dự án HTKT có nhiệm vụ chính là đánh giá, phân tích về hiện trạng dạy nghề thể hiện trong kết quả dạy nghề, chất lượng đào tạo; sự phù hợp về kỹ năng nghề đối với thị trường lao động, về cơ cấu tổ chức hiện tại đáp ứng việc xây dựng kế hoạch, quản lý hệ thống dạy nghề; sự tham gia của khu vực dạy nghề tư nhân; xác định các vấn đề then chốt cần giải quyết.
 
Trên cơ sở đó, Dự án sẽ xây dựng chiến lược và kế hoạch dài hạn để cải thiện và tăng cường kỹ năng dạy nghề cho người lao động, xây dựng khung giám sát và thiết kế Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” trong tương lai. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn tất vào ngày 31/7/2009.
 
10 năm qua, hoạt động dạy nghề đã được phục hồi và có bước phát triển mới (số trường tăng 2,6 lần, quy mô tuyển sinh tăng gấp 3 lần). Đến năm 2008, cả nước đã có 90 trường cao đẳng nghề, 250 trường trung cấp nghề, quy mô tuyển sinh đạt trên 1.500.000 người.
 
Tuy nhiên, hệ thống dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, nhất là đòi hỏi về trình độ kỹ năng nghề ngày càng cao của thị trường lao động và các ngành công nghiệp, dịch vụ. Năm 2007, chỉ có khoảng 23,41% lao động đã qua đào tạo nghề ở các trình độ.
 
Điều tra hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy có đến 40% số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, đã nhận thức rằng việc thiếu hụt lao động có tay nghề là một cản trở lớn trong việc mở rộng doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
 
Hiện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã tiếp nhận trên 43.000 lao động người nước ngoài, chủ yếu trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao và quản lý doanh nghiệp. Việc đào tạo nguồn lao động kỹ năng tay nghề cao là một vấn đề cấp bách đối với đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục