"Không ai bỏ tiền để mua hàng kém chất lượng"

"Không có người tiêu dùng nào lại bỏ tiền ra mua sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm".
"Mua hàng sản xuất trong nước hay nước ngoài là quyền của người tiêu dùng. Vì vậy, phải làm sao để người dân nhận thấy dùng hàng Việt Nam có lợi hơn dùng hàng ngoại", Tiến sỹ Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Vietnam+.

Để người Việt yêu hàng Việt và không vi phạm những cam kết khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới thì cần phải có những điều kiện gì?

Hiện nay, hàng sản xuất trong nước khá đẹp về hình thức, phong phú về chủng loại, nhưng đôi khi chi phí cho mẫu mã lại khá lớn nên dẫn tới việc giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Trong một vài trường hợp, chất lượng của hàng hóa chưa tương xứng với mẫu mã bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc đơn vị sản xuất đầu tư quá nhiều vào mẫu mã cũng gây sự lãng phí không cần thiết. Nên chăng, các doanh nghiệp cần lưu ý giảm bớt chi phí cho mẫu mã bên ngoài, tập trung nhiều hơn vào chất lượng.

Theo ông, cần phải có những qui định gì về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng tin dùng hàng trong nước?

Không có người tiêu dùng nào lại bỏ tiền ra mua một sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, đi đôi với việc kêu gọi người tiêu dùng mua hàng Việt Nam thì bản thân các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm để củng cố lòng tin cho người dân.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường. Vấn đề này cần thực hiện đồng bộ với biện pháp và hành động thiết thực.

Để người Việt Nam từ yêu hàng Việt Nam, đến mua hàng Việt Nam có lẽ là chúng ta phải có sự nghiên cứu rất cụ thể với các biện pháp, hành động rất thiết thực để làm sao cho hàng Việt Nam phải sát với yêu cầu cần thiết của nhân dân thì nó mới có thể đi vào cuộc sống được.

Ông có nhắc đến việc người dân từ yêu hàng Việt Nam rồi đi đến quyết định mua hàng Việt Nam, vậy khoảng cách đó có xa không và làm thế nào để thu hẹp?

Để người Việt Nam "yêu" hàng Việt Nam đòi hỏi phải có thời gian. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại thì trước hết phải làm ra hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Khi người dân dùng đồng tiền bằng sức lao động, mồ hôi nước mắt của mình để mua hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra thì họ cũng phải được hưởng chất lượng sản phẩm tốt.

Lòng tin của người dân vào hàng hóa sản xuất trong nước phải trên cơ sở vừa bảo vệ nhà sản xuất, nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ người tiêu dùng. Nếu làm được việc này, tôi nghĩ rằng, tự nhiên người Việt sẽ "yêu" và quyết định dùng hàng Việt.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục