Không ít kiến nghị kiểm toán bị “treo” nhiều năm với số tiền hàng nghìn tỷ đồng

Việc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị treo đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính... không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)
Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Song, Kiểm toán Nhà nước cho biết vẫn còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện. Thậm chí, nhiều kiến nghị kiểm toán đã “treo” qua nhiều năm với số tiền đọng lại hàng nghìn tỷ đồng, nhiều điểm nghẽn cơ chế, chính sách chưa được khơi thông…

Nhiều kiến nghị bị “treo”

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75%-80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15%-20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong đó, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước vẫn chưa thực hiện, đang được Kiểm toán Nhà nước theo dõi, đôn đốc.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết tình hình thực hiện các kiến nghị kiểm toán thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, chuyển biến tích cực với tỷ lệ thực hiện ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều các kiến nghị kiểm toán không được thực hiện. Có những kiến nghị đã gần 10 năm, thậm chí hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn “treo” không được thực hiện. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến cho việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn khó khăn, thậm chí là không có khả năng thực hiện.

Đơn cử, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV chỉ ra hàng loạt dự án còn tồn đọng kiến nghị kiểm toán. Điển hình, Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2021 với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2020), tính đến ngày 31/3/2023, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ chưa thực hiện kiến nghị xử lý tài chính hơn 109 tỷ đồng. Hay, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh-Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2018, niên độ ngân sách Nhà nước 2017), số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng chưa được Công ty cổ phần BOT Phả Lại thực hiện đến ngày 31/3/2023 là hơn 106,7 tỷ đồng...

phap_van_cau_gie_18052022.jpg
Phương tiện xếp hàng dài nối đuôi nhau đoạn gần nút giao Pháp Vân hướng vào thành phố Hà Nội (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tại Hà Nội, số kiến nghị tồn đọng chưa thực hiện tính đến ngày ngày 31/7/2023 về xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện là hơn 9.326 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nhiều kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng số tiền lớn do vướng mắc về cơ chế, chính sách với tổng số tiền hơn 1.220 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là kiến nghị tại báo cáo kiểm toán Dự án khu đô thị mới Dương Nội đối với Tập đoàn Nam Cường và Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông trong việc thực hiện kiến nghị khác liên quan tới việc giao đất dịch vụ (525.658 triệu đồng); Kiến nghị chưa thực hiện do nhà thầu không hợp tác hoặc có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu (12 kiến nghị) với số tiền hơn 1.731 tỷ đồng...

Nhiều "lỗ hổng" chưa được "bịt"

Bên đó, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách và kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, Kiểm toán Nhà nước cho biết việc thực hiện cũng còn rất khiêm tốn. Trong đó, nhiều văn bản được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung có ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành, quản lý kinh tế-xã hội, sử dụng ngân sách Nhà nước song chưa được các đơn vị tập trung thực hiện.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra tỷ lệ sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước rất thấp. Các kiến nghị về thể chế, văn bản quy phạm pháp luật còn có giá trị hơn là về tiền.

Cụ thể, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết tính đến ngày 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. Tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.

khu_che_xuat.jpg
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. Tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chẳng hạn, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC về Quy chế sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, quy định rất rõ về cơ chế quản lý, sử dụng đối với khoản thu phí tiện ích công cộng; Trách nhiệm quản lý và hình thức sở hữu đối với tài sản hình thành từ thu phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng, phí tiện ích công cộng... đảm bảo quản lý qua ngân sách, phù hợp với quy định của Luật ngân sách Nhà nước. Song, kiến nghị trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra từ năm 2018 song đến thời điểm 31/3/2023, kiến nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Hay, Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính (các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2014 và chuyên đề việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015) của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp, trao đổi ý kiến với Bộ Công Thương để thống nhất ban hành quy định quản lý nhiên liệu bay. Theo đó xác định rõ đối tượng sử dụng để việc tiêu thụ loại nhiên liệu này đúng mục đích, phù hợp với đặc tính kỹ thuật của nhiên liệu hàng không, hạn chế rủi ro gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua rà soát cho thấy đến ngày 31/3/2023, kiến nghị này cũng chưa được thực hiện.

Đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Bởi trên thực tế, các Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.

Tiến sỹ Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước chia sẻ Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Việc chấp hành kiến nghị kiểm toán chính là thể hiện tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước được thực thi còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia…

Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, ông Hải cho biết các Bộ, ngành, địa phương cũng ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng cao, với tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước.

Ông Hải đơn cử kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với ngân sách tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2018 luôn đạt bình quân 95%/năm. Tại tỉnh Nghệ An, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với tỷ lệ trung bình đạt khoảng 85% (từ năm 2020-2022)...

Theo ông, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán và quyết định dự toán ngân sách Nhà nước đồng thời giúp Hội đồng Nhân dân các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

“Xác định rõ điều này, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm, Kiểm toán Nhà nước còn lồng ghép nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán… Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã quán triệt công khai kết quả kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng. Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm hàng năm đều được công khai ngay trên Cổng Thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước," ông Hải chốt lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục