Khủng hoảng Myanmar phơi bày mặt trái chính sách đối ngoại của Nhật

Trường hợp của Myanmar đang cho thấy rõ rằng ông Abe đã không thay đổi triệt để chính sách ngoại giao thực dụng và lấy kinh tế làm định hướng của Nhật Bản.
Khủng hoảng Myanmar phơi bày mặt trái chính sách đối ngoại của Nhật ảnh 1Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, tháng 8/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chức khi đang là thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.

Nhiều nhà phân tích và học giả đã lập luận rằng di sản mà giai đoạn cầm quyền rất dài của ông để lại bao gồm chủ nghĩa thực dụng, định hướng kinh tế và đưa các giá trị vào chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Ngay từ năm 2007, ông Abe đã xác định các giá trị chính sách đối ngoại của Nhật Bản bằng các thuật ngữ như tự do, dân chủ và tôn trọng các quyền cơ bản của con người.

Tầm quan trọng của những giá trị tự do đó đã liên tục được nhấn mạnh trong các đường lối chính trị đối ngoại của đất nước, gần đây nhất là “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Tính trung tâm của các giá trị này cũng được thể hiện rõ trong Hiến chương Hợp tác Phát triển Chính thức (ODC) được sửa đổi năm 2016.

Gần đây, người kế nhiệm của ông Abe là Thủ tướng Yoshihide Suga đã khẳng định sẽ tiếp nối chính sách ngoại giao được định hướng bởi các giá trị mà Abe đã phát triển. Tuy nhiên, chính sách lấy giá trị làm định hướng này đã được thể hiện thế nào trong các chính sách thực tế?

[Nhật Bản, Anh hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-TBD tự do, rộng mở]

Trường hợp của Myanmar chính một ví dụ điển hình để chứng minh rằng các giá trị này chỉ đóng vai trò bên lề trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản từ trước đến nay.

Nhật Bản có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Myanmar nhưng lại luôn giữ khoảng cách với quốc gia này trong giai đoạn thiết quân luật (1988-2011) để tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Mối quan hệ song phương đã nhanh chóng được nối lại và mở rộng sau khi chế độ quân sự đưa ra một chính phủ hợp hiến vào năm 2011. Nhật Bản không chỉ coi Myanmar là nước nhận viện trợ hàng đầu của mình, mà còn xóa khoản nợ hơn 200 tỷ yen cho Myanmar vào năm 2013.

Tuân thủ ý tưởng về một chính sách ngoại giao lấy các giá trị làm định hướng, chính quyền Abe đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản có thể cung cấp “sự hỗ trợ toàn diện cho những nỗ lực của chính phủ Myanmar để hướng tới dân chủ hóa, thúc đẩy luật pháp, những cải cách kinh tế và hòa giải dân tộc.”

Thực tế là Nhật Bản dưới thời Abe đã gần như tập trung hoàn toàn vào khía cạnh kinh tế trong mối quan hệ với Myanmar. Một lý lẽ chung trong giới hoạch định chính sách của Nhật Bản để biện luận cho sự xích lại gần Myanmar - bất chấp những vi phạm nhân quyền rõ rệt của Myanmar dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein, chẳng hạn như sự phân biệt đối xử đang diễn ra với những người Hồi giáo ở Bang Rakhine - chính là lập luận rằng sự phát triển kinh tế rốt cuộc sẽ dẫn đến dân chủ hóa.

Cùng lúc, cũng có những nhân tố quan trọng trong nước giải thích cho cách hành xử của Nhật Bản. Dưới thời Abe, ODC trở thành một công cụ quan trọng để tái sinh nền kinh tế Nhật Bản vốn bị trì trệ từ thập niên 1990. Không phải ngẫu nhiên mà sự trợ cấp dành cho Myanmar ban đầu được điều phối bởi Hội đồng Chiến lược Cơ sở hạ tầng, một hội đồng cố vấn được Abe thành lập năm 2013 với mục đích hàng đầu là tăng gấp 3 lượng xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Nhật Bản lên 30.000 tỷ yên vào năm 2020.

Bên cạnh việc cải thiện hệ thống đường sắt và viễn thông của Myanmar, Nhật Bản còn tham gia phát triển Khu vực Kinh tế Đặc biệt Thilawa, một khu công nghiệp rộng 2.400ha.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Myanmar và những lợi ích tiềm năng đối với nền kinh tế Nhật Bản rõ ràng đã tương đối hóa lập trường đặt ra ban đầu - đó là tích cực đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa.

Theo Chỉ số Thành bại của các nhà nước, Myanmar tiếp tục nằm trong danh sách đỏ các quốc gia có nguy cơ cao mà không có chút cải thiện nào kể từ khi Nhật Bản đẩy mạnh sự tương tác với quốc gia này.

Nhật Bản chưa bao giờ đặt ra những câu hỏi về Hiến pháp nhiều kẽ hở từng tạo điều kiện cho quân đội Myanmar nắm quyền lực lớn và duy trì quyền phủ quyết của quân đội với bất kỳ quyết định nào tại Quốc hội, ngay cả sau các cải cách chính trị.

Thêm vào đó, bất chấp tình trạng bạo lực nhằm vào người Hồi giáo, năm 2019, Abe đã chính thức đón tiếp chỉ huy quân đội Myanmar, Tướng cấp cao Min Aung Hlaing - một trong những người chịu trách nhiệm lớn nhất về các tội ác đã gây ra năm 2017.

Ngày 1/2/2017, Myanmar bắt đầu rơi vào hỗn độn sau một vụ đảo chính, hệ quả của một cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 11/2016. Vụ đảo chính đã làm suy yếu vị trí của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, đảng ủy nhiệm của quân đội. Đương nhiên, Nhật Bản không có trách nhiệm gì trong vụ đảo chính này.

Thế nhưng, rõ ràng việc Nhật Bản ồ ạt đầu tư vào Myanmar mà không cân nhắc về vấn đề nhân quyền và tiến trình chính trị đã làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột xã hội đang tồn tại ở Myanmar.

Mãi sau vụ đảo chính, Nhật Bản mới tỏ ra miễn cưỡng ủng hộ các giá trị. Ngày 24/2, sau nhiều tuần tương đối im lặng, Tokyo đã tuyên bố sẽ chấm dứt bất kỳ dự án ODC nào với Myanmar, qua đó tạo cảm giác rằng họ đang áp dụng hành động cứng rắn nhằm vào quân đội nước này.

Với khoản đầu tư 189,3 tỷ yen (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2019, Nhật Bản cho đến nay đã trở thành nguồn trợ cấp ODC lớn nhất cho Myanmar trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế(OECD).

Tuy nhiên, quan điểm này của Nhật Bản là khá sai lầm. Việc chấm dứt các dự án ODC mới đã tự động có hiệu lực khi cuộc đảo chính xảy ra, bởi thực tế là những thủ tục chính thức để phê chuẩn dự án ODC đòi hỏi phải có một chính phủ được quốc tế công nhận bên phía nước nhận viện trợ.

Nói cách khác, chừng nào chính quyền quân sự chưa chính thức được công nhận, không có dự án ODC mới nào được thực thi, kể cả Nhật Bản có sẵn sàng làm điều đó.

Cũng cần lưu ý rằng Nhật Bản không cân nhắc việc đình chỉ bất kỳ dự án nào đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ “hợp tác chặt chẽ với những quốc gia có chung chí hướng như là Mỹ, đồng thời vẫn duy trì vai trò riêng của mình.”

Trên thực tế, Tokyo đã cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính ở Myanmar nhưng vẫn chưa sẵn sàng hưởng ứng bằng những hành động cụ thể chống chính quyền quân sự Myanmar.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G-7 không áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Điều thú vị là Nhật Bản thậm chí còn không có một nền tảng lập pháp để áp dụng các lệnh trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền, một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nước này chỉ miễn cưỡng bãi bỏ quy tắc không can thiệp, vốn là trọng tâm trong chính sách hậu chiến của họ.

Mặc dù có một số lượng đáng kể các công ty Nhật Bản ở Myanmar có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu mối quan hệ song phương xấu đi, nhưng cũng có một lượng lớn các khoản vay mà Nhật Bản cấp cho Myanmar thông qua ODC và FDI. Một sự gián đoạn trong các dự án hiện nay chắc chắn sẽ gây ra các vấn đề về trả nợ.

Chỉ sau khi hứng chịu sức ép ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế, Motegi mới bắt đầu nhận ra rằng Nhật Bản có thể phải đình chỉ tất cả các dự án ODC khi đưa ra tuyên bố vào cuối tháng 5 này rằng “chúng tôi không muốn làm điều đó một chút nào."

Trường hợp của Myanmar đang cho thấy rõ rằng ông Abe đã không thay đổi triệt dể chính sách ngoại giao thực dụng và lấy kinh tế làm định hướng của Nhật Bản. Nó cũng làm sáng tỏ ý đồ sâu xa của cái gọi là chính sách đối ngoại lấy giá trị làm định hướng đã hình thành nên các sáng kiến như FOIP, mà thực chất là được thiết lập chỉ để tách biệt với Trung Quốc.

Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn là ưu tiên hàng đầu, hiện chưa có đủ các nhà hoạch định chủ chốt trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và trong chính phủ sẵn sàng đe dọa mục tiêu này bằng cách đưa các giá trị trở thành nguyên tắc hàng đầu trong chính sách đối ngoại của đất nước.

Việc đưa các giá trị vào trong chiến lược chính sách đối ngoại của Nhật Bản, bắt đầu từ chính quyền ông Abe, đã khơi dậy những kỳ vọng lớn lao, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu. 

Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem liệu Nhật Bản có thể làm được đến đâu để thúc đẩy các giá trị tự do ấy khi mà những mục tiêu kinh tế lớn đang lâm nguy, không chỉ ở Myanmar mà còn ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, nơi các quyền của con người đang bị xâm phạm một cách có hệ thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục