Theo một nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA (gồm Mexico, Mỹ và Canada) đổ vỡ sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mexico và khiến GDP của nước này giảm tương ứng 1,2 điểm phần trăm, 2 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm trong các năm 2018, 2019 và 2020.
Bất chấp việc tái đàm phán NAFTA vẫn đang tiếp diễn, Moody's cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận này khi phía Mỹ đưa ra những đề xuất mang tính “đe dọa cao” như nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô từ hơn 62% hiện nay lên 85% và trong đó 50% là tỷ lệ nội địa Mỹ; chu kỳ năm năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp.
Nếu điều này xảy ra, Mexico sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất, khi có khoảng 951.000 người Mexico sẽ mất việc, trong khi con số này ở Mỹ và Canada là 250.000 và 125.000 người. Những lĩnh vực bị tác động mạnh tại Mexico gồm dệt may, máy móc hạng nặng và ôtô.
[Vòng 4 tái đàm phán NAFTA gặp khó khăn với yêu cầu của Mỹ]
Theo phân tích của các chuyên gia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành công nghiệp ôtô Mexico sẽ giảm bình quân khoảng 4 tỷ USD/năm; nhiều mặt hàng phải chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ cao như áo len và áo thun, với 32%, quần âu nam (gần 28%), xe ôtô chở hàng trọng tải đến 20 tấn (25%), măng tây (trên 21%), dưa vàng, dưa lưới, dưa hấu và đu đủ (17%), rau tươi (gần 15%), dâu tây (hơn 11%) và thịt không xương (10%).
Dự báo, xuất khẩu của Mexico sang Mỹ sẽ giảm 8% trong hai năm đầu tiên khi NAFTA đổ vỡ.
Các chuyên gia khuyến cáo Mexico cần phải áp dụng các quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đẩy mạnh công nghiệp hóa và đa dạng hóa thị trường, cũng như tìm kiếm và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới tại Mỹ Latinh, châu Á và châu Âu.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.