CPI 2 tháng: Vẫn trong dự báo!
Phân tích của các chuyên gia trong cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 27/2 cho thấy, nếu không bị ám ảnh bởi chỉ tiêu kiềm chế CPI dưới 7% trong năm 2010 thì mức độ tăng giá trong 2 tháng qua là không đáng lo và đúng với quy luật tăng trong những năm thông thường (năm 2005: 3,6%; 2006: 3,3%; 2007: 3,24%, 2008: 6,02%). Năm 2009, mức tăng CPI trong hai tháng đầu năm chỉ là 1,49% do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, khi công bố biểu giá điện mới thì việc đưa ra chỉ số CPI trong năm 2010 ở mức 7% đã được các cơ quan chức năng tính đến các yếu tố tác động như: Việc nới lỏng tiền tệ năm trước, độ trễ của nó sang năm nay, tiền lương tăng trong tháng 5/2010, giá điện và giá xăng tăng trong năm 2010…
Với tỷ lệ tăng giá điện năm 2010 ở mức 6,8%, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cho năm 2010. Do tăng giá điện, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,20-0,27%.
Đối với các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu v,v…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.
“Theo qui luật giá thị trường, trong trường hợp không có đột biến, thì CPI quý I sẽ tăng nhưng từ quí II, quí III sẽ ổn định và giảm dần, rồi lại nhích lên trong quí IV. Nếu tổng hợp lại thì CPI cả năm sẽ khoảng 7%,” ông Thỏa cho biết.
Tuy nhiên, ông Thỏa cũng thừa nhận, để đạt được mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 7% trong năm 2010, cần phải thực hiện tốt các nhóm giải pháp cấp bách của Chính phủ về ngăn ngừa sự suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
Còn về phía doanh nghiệp, cần phải đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.
“Không phải đầu vào cứ tăng lên bao nhiêu thì cũng cho tăng giá các sản phẩm lên bấy nhiêu mà cần đưa ra nhiều biện pháp quản lý chi phí để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất”, ông Thỏa nói thêm.
Kiểm soát chặt, không để “té nước theo mưa”
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với việc tăng giá điện và giá xăng, thì dự báo giá thép sẽ tăng khoảng 600.000 đồng/tấn và giá ximăng cũng phải chịu thêm chi phí đầu vào khoảng 120.000 đồng/tấn. Đây là những áp lực không nhỏ trong việc khống chế CPI tháng 3 tới.
Do vậy, để chỉ số giá tiêu dùng những tháng tiếp theo không có những đột biến lớn, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương đưa ra ý kiến: cần phải kiểm tra, kiểm soát được giá cả, nhất là các mặt hàng trong diện bình ổn giá trên thị trường. Vì khả năng nhiều mặt hàng lấy lý do tăng giá xăng, giá điện “té nước theo mưa” có thể xảy ra.
Từ kinh nghiệm của hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong các dịp cuối năm, Tết Nguyên đán… do có sự hỗ trợ của quỹ bình ổn nên các doanh nghiệp được vay vốn trong dịp Tết đã làm rất tốt việc dự trữ hàng hóa, triển khai các điểm bán, tung hàng ra thị trường trong dịp Tết, góp phần làm dịu, thậm chí dập tắt các hiện tượng nâng giá khi hàng khan hiếm tại một số điểm.
Bên cạnh đó, việc chủ động rà soát cân đối cung-cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép; chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết sẽ góp phần bình ổn nền kinh tế, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân./.