Kiểm soát rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ

Hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ” được tổ chức nhằm kết nối cơ quan quản lý và doanh nghiệp giúp giảm thiểu rủi ro trong xuất nhập khẩu gỗ.
Kiểm soát rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục siết chặt việc quản lý nhập khẩu gỗ nguyên liệu, phòng ngừa những rủi ro về nguồn gốc gỗ ( Ảnh: Bích Hồng/TTXVN)

Ngày 21/12, tại Bình Dương đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ” được tổ chức bởi Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) và nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhằm kết nối cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp giúp giảm thiểu rủi ro trong phòng vệ thương mại và khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Trong quý 2 và 3 của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh dù ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Ước tính giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 cán mốc gần 12,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, thời gian gần đây ngành gỗ đã trải qua nhiều biến động khi trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc do mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Các điều tra được hình thành dựa trên các dấu hiệu về gian lận thương mại của một số doanh nghiệp, chủ yếu là của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm gỗ dán vào Mỹ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỷ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.

Ở khâu nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường thực hiện kiểm soát rủi ro trong nhập khẩu thông qua việc ban hành các văn bản: Nghị định 102 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu, danh sách vùng địa lý tích cực, và danh sách các loài gỗ được nhập khẩu. Tuy nhiên, do Nghị định đang ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn còn chưa hiểu cặn kẽ các yêu cầu của Nghị định trong khâu nhập khẩu.

Phấn đấu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vào năm 2025

Tại hội thảo, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Kiểm lâm đã chia sẻ với các doanh nghiệp về các kiến thức, kỹ năng phòng vệ thương mại, các vấn đề liên quan tới gian lận thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu, gian lận xuất xứ hàng hóa; cung cấp thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các yêu cầu trong kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu theo tinh thần của Nghị định 102; tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của Nghị định 102 trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu, đặc biệt trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo tinh thần của Nghị định; Thảo luận về các biện pháp nhằm giảm rủi ro cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của chính sách trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Nhiều kiến nghị và giải pháp được các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo, như: đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong nhập khẩu, nhất là kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia không tích cực và loài gỗ có tính rủi ro cao từ rừng tự nhiên.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cập nhật kịp thời danh sách vùng địa lý tích cực và danh mục loài gỗ, tổ chức đào tạo, hướng dẫn chi tiết cho cán bộ kiểm lâm. hải quan và doanh nghiệp triển khai để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà nhập khẩu thực hiện thông quan hàng hóa, thực hiện các bảng kê khai và hồ sơ lâm sản theo đúng quy định.

Đề nghị các doanh nghiệp quan tâm việc khai thác, thương mại và sử dụng các loài gỗ ít được biết đến, thương mại hóa các loài mới, nhất là các loài từ các khu rừng được chứng nhận quản lý rừng FSC và PEFC giúp cải thiện sinh kế, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo thời gian cần thiết cho luân kỳ khai thác rừng, bảo đảm an ninh nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ khi có sẵn các nguồn nguyên liệu thay thế tiềm năng với giá thấp hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục