Phấn đấu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vào năm 2025

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, nhưng với nỗ lực vượt bậc, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019.
Phấn đấu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vào năm 2025 ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ - TTXVN)

Ngày 1/12, tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025” với sự tham gia của trên 600 đại biểu; trong đó có trên 300 đại biểu từ các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Đây là hội nghị lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm qua về lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước hiện có hơn 600.000 ha rừng gỗ lớn và trên 200.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, nhưng với nỗ lực vượt bậc, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.

[Làm gì để nâng giá trị sản phẩm, khả năng nhận diện của ngành gỗ Việt?]

Mục tiêu đặt ra cho năm 2021 là nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm đạt từ 14 đến 14,5 tỷ USD, tăng 10-11% so với năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025 - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Phân tích về cơ hội và giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững trong bối cảnh Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận xét, ngành gỗ đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới. Đó là sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng cũng như gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN…

Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của ngành chế biến gỗ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới đây, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả nhiều chương trình xúc tiến thương mại để khai thác thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.

Muốn đảm bảo nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, thời gian tới, Việt Nam cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Cùng đó, việc kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại cũng rất quan trọng với ngành gỗ; trong đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT, một bộ phận của EVFTA sẽ tác động rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa Hiệp định VPA/FLEGT vào thực thi và thực hiện nghiêm túc; thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu gỗ thuộc danh mục CITES theo đúng quy định - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề xuất.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ xác định phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chính là một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu. Do đó, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 18-20 tỷ USD, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp  hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về thuế, đất đai, khoa học và công nghệ, đầu tư, tín dụng để khuyến khích chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, liên kết trồng rừng gỗ lớn, chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị; trong đó, lưu ý các chính sách về tổ chức phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, tránh tình trạng manh mún, chất lượng không cao như hiện nay.

Thời gian tới, cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ cần được tập trung phát triển như: xây dựng Trung tâm triển lãm thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới; xây dựng một số khu lâm nghiệp công nghệ cao để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản phù hợp với lộ trình, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản; khuyến khích doanh nghiệp chế biến lâm sản liên kết chặt chẽ, có sự phân công chuyên môn hóa cao về sản xuất chủng loại, chi tiết sản phẩm để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các bộ ngành và địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường vào ngành chế biến gỗ, giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc tự động hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cần hướng tới phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu gỗ Việt. Muốn vậy, các ngành cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa; duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…; chủ động xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng; xây dựng kênh phân phối sản phẩm gỗ Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường truyền thống, chuyển đổi phương thức bán hàng từ cách truyền thống (offline) sang hình thức online.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và thương hiệu gỗ Việt; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản để tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn thông qua cải thiện, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh, công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn.

Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng trên 80% nguyên liệu trong nước cung cấp cho ngành chế biến gỗ - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng đã nêu sáng kiến từ nay đến năm 2025 trồng 1 tỷ cây xanh và yêu cầu Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sớm cụ thể hoá sáng kiến này thành kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Các hiệp hội gỗ và lâm sản cần thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước; có kế hoạch, động viên, khích lệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục