Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 323.000 tỷ đồng trong 5 năm

Trong 5 năm, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 1.062 cuộc kiểm toán, thuộc các lĩnh vực ngân sách Nhà nước, đầu tư dự án ch­ương trình mục tiêu quốc gia… và trình bày ý kiến dự toán ngân sách hàng năm.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 323.000 tỷ đồng trong 5 năm ảnh 1Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 212 cuộc kiểm toán hàng năm. (Ảnh: Vietnam+)

“Trong 5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng  đã trở thành động lực góp phần phát triển của Kiểm toán Nhà nước. Các phong trào thi đua đã định hướng đúng và bám sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngành và thực sự trở thành động lực thúc đẩy tinh thần làm việc, phấn đấu và sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức...,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chia sẻ tại Đại hội Thi đua yêu nước của Kiểm toán Nhà nước lần thứ IV (2020-2025).

Tăng cường hoạt động kiểm toán

Báo cáo tại sự kiện cho thấy quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước luôn gắn liền với  phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao phó. Với nội dung thi đua “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán,” phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 đã thúc đẩy toàn ngành hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Cụ thể, quy mô hoạt động kiểm toán tăng dần qua từng năm và phù hợp với số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên. Trong 5 năm, toàn ngành qua đã thực hiện 1.062 cuộc kiểm toán thuộc các lĩnh vực ngân sách Nhà nước, đầu tư dự án ch­ương trình mục tiêu quốc gia, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước... đồng thời trình bày ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Quốc hội xem xét.

Theo đó, bình quân hàng năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 212 cuộc kiểm toán và trung bình tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước (bình quân giai đoạn trước là 170 cuộc/năm).

Với những đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán mang tính đột phá, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 67.050 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 82.788 tỷ đồng đồng thời cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát... Cơ quan kiểm toán Nhà nước đã chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Bên cạnh đó, các báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội sử dụng ngày càng nhiều hơn trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề tài chính, ngân sách và hoàn thiện chính sách pháp luật...

Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 323.000 tỷ đồng trong 5 năm ảnh 2Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Vietnam+)

Chống tư tưởng thi đua hình thức

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước đã rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể là yếu tố quyết định cho sự thành công của các phong trào. Mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua nhất thiết phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp thường xuyên của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên…, sự phối hợp phải mang tính thiết thực, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các thành viên trong đơn vị, phong trào thi đua mới phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua phải có sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch, kết hợp tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên với thi đua theo đợt (chuyên đề), trong đó động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể phát huy tính chủ động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngành kiểm toán cũng chú trọng chống tư tưởng thi đua hình thức, phát động chung chung mà không chú ý tới nội dung thi đua và đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện phong trào thi đua.

Để làm được những điều trên, cơ quan kiểm toán chú trọng làm tốt công tác bồi dưỡng, xây dựng, phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến. Việc khen thưởng đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, quan tâm đến đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Từ đó, chú trọng xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong công tác thi đua khen thưởng.

Kiểm toán Nhà nước đặt mục tiêu của phong trào thi đua yêu nước (giai đoạn 2020-2025) là trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; hoạt động chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín.

Cụ thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm chất lượng, hiệu lực và hiệu quả, lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1994-11/7/2024) với chủ đề xuyên suốt của phong trào “Kiểm toán Nhà nước kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, sáng tạo.”

“Với ý chí quyết tâm cao, sức mạnh đoàn kết và những kinh nghiệm thực tiễn, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục lập nên những thành tích mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục