Kiên Giang: Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên biển

Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người, phương tiện, công trình trên biển và khu vực biên giới biển.
Kiên Giang: Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Tá Chuyên/TTXVN)

Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người, phương tiện, công trình trên biển và khu vực biên giới biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, ổn định và nâng cấp các phương tiện khai thác, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 CV chiếm 70% đoàn tàu cá; GRDP kinh tế biển chiếm 74% GRDP toàn tỉnh, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo...

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tăng cường quản lý nhà nước về biển đảo, xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự cho phát triển kinh tế biển, hoạt động của các cảng biển, vận tải biển, hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng nghề cá, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng an ninh trên biển.

[Ban hành nghị quyết thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang]

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao hơn nữa ý thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… Đấu tranh hiệu quả với hoạt động xâm phạm chủ quyền, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, ma túy, buôn lậu trên biển…

Cùng với đó là xây dựng cơ sở chính trị xã, phường, thị trấn ven biển và các đảo vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương, quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Các lực lượng vũ trang của tỉnh tăng cường xây dựng lực lượng chính quy, vững mạnh, từng bước làm chủ và kiểm soát tình hình trên biển. Bên cạnh đó, tập trung bố trí lực lượng cho các địa bàn, khu vực trọng điểm về an ninh trật tự; thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa sông, cửa biển; đăng ký, quản lý chặt chẽ người, phương tiện làm ăn trên biển.

Các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập trong bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động trên biển; ứng phó với tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt phối hợp với lực lượng Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4…trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các ngành chức năng duy trì nghiêm công tác giám sát tàu cá, quản lý thông tin, đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị an toàn, trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định cho tàu thuyền hoạt động; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật, công tác đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.

Tỉnh tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng nghề cá; đầu tư, trang bị phương tiện cho các ngành, lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng an ninh. Từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), cảng cá An Thới (Phú Quốc), khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nam Du (Kiên Hải), khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá mũi Gành Dầu và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá đảo Thổ Chu (Phú Quốc); xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam…

Vùng biển, hải đảo và ven biển của tỉnh Kiên Giang có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng, là ngư trường quan trọng trong cả nước, có tiềm năng phong phú, đa dạng, nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch sinh thái chất lượng cao. Trong đó, đường hàng hải quốc tế nối liền các khu vực, đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước trong khối ASEAN và quốc tế. Vùng biển Kiên Giang rộng 63.290 km², giáp với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia, bờ biển dài hơn 200 km, có 5 quần đảo với hơn 143 hòn đảo lớn, nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Quốc và đảo xa nhất là Thổ Chu.

Những năm gần đây, Kiên Giang tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hoạt động kinh tế. Du khách tham quan du lịch tại khu vực ven biển, đảo, đặc biệt là Phú Quốc ngày càng tăng, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển đảo của tỉnh, đồng thời tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục