Kiên Giang triển khai giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

HĐND tỉnh Kiên Giang đã quyết nghị thông qua 36 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết liên quan thiết thực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền và đời sống của người dân.
Kiên Giang triển khai giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Đại biểu dự kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang. (Nguồn: Kiengiang.gov.vn)

Trong 2 ngày 16-17/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức kỳ họp thứ 20 nhằm sơ kết tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2020; xem xét quyết định một số nội dung quan trọng.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề quan trọng.

Trên cơ sở thảo luận, xem xét các tờ trình, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã quyết nghị thông qua 36 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết liên quan thiết thực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền và đời sống của người dân.

Cụ thể như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; điều chỉnh chủ trương Dự án bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa tỉnh Kiên Giang; thành lập thành phố Phú Quốc; nhập, thành lập ấp, khu phố và quy định chế độ hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố dôi dư do nhập ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang...

[Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, năm 2020, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 7,23% theo kế hoạch đã đề ra đầu năm là thách thức rất lớn đối với tỉnh và không đảm bảo tính khả thi.

Mức phấn đấu cao nhất có thể đạt được đến cuối năm 2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 4,97%, thấp hơn 2,26% so với kế hoạch, khả năng hụt thu ngân sách khoảng 760 tỷ đồng so với dự toán.

Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nỗ lực thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới” theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh. Kiên Giang triển khai có hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Kiên Giang tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Tỉnh thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu có tiềm năng, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu còn thấp.

Kiên Giang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ cấu kinh tế tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển ổn định, đúng định hướng. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,03%, so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang đứng hàng thứ 3/13 tỉnh, thành phố, chỉ sau Đồng Tháp và Trà Vinh. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt khá so kế hoạch và tăng so cùng kỳ như sản lượng lúa tăng 5,88%, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 1,25%, (riêng sản lượng tôm nuôi tăng gần 20%), thu ngân sách tăng 16,53%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 1,24%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 18%...

Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều những hạn chế, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, lượng khách du lịch giảm 56,4%, doanh thu du lịch giảm 63%; đầu tư công tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, đạt thấp so cùng kỳ; thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng, bởi một số nguồn thu đạt thấp; một số doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể tăng so cùng kỳ... Đời sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang xem xét miễn nhiệm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và 1 Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh do nghỉ hưu, đồng thời bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và 1 Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã tiến hành chất vấn đối với 5 giám đốc sở và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của đời sống kinh tế-xã hội được cử tri trong tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục