Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,3%

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 49,2% kế hoạch cả năm; trong số đó, các doanh nghiệp có vốn FDI chiếm đến 84,4%.
Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,3% ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Tiền Giang nỗ lực vượt qua thách thức, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, thu hút ngoại tệ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 49,2% kế hoạch cả năm.

Trong số đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp cũng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,4 tỷ USD, đạt 53% chỉ tiêu cả năm và tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đánh giá mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp gây khó khăn ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực xuất khẩu, nhưng nhờ các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực vượt khó, thực hiện những giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu phù hợp tình hình mới nên đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, các ngành hàng sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao vẫn đảm bảo hoạt động cũng góp phần giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công ăn việc làm, thu nhập cho công nhân lao động của tỉnh.

Cụ thể, các mặt hàng sản phẩm kim loại thường trong 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 350,2 triệu USD, tăng 21,7%; sản phẩm may mặc xuất khẩu được 240 triệu USD, tăng 2,1%; giày da đạt 250,5 triệu USD, tăng 17,7% so cùng kỳ năm ngoái.

[Tiền Giang đề mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3,25 tỷ USD]

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất được 53.000 tấn thủy sản chế biến, chủ yếu là các mặt hàng chế biến từ cá da trơn, thu về trên 130 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 2,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Qua đó cho thấy hoạt động xuất khẩu cá da trơn đang dần hồi phục nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh đồng thời với tích cực tìm kiếm thêm những thị trường mới giàu tiềm năng… Ngành hàng thủy sản chế biến được xác định là ngành có lợi thế cạnh tranh của địa phương trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang còn thực hiện những biện pháp sản xuất-kinh doanh linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Các doanh nghiệp chú trọng bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, điều chỉnh và mở rộng sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm quy định về sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% công nhân lao động được tuyên truyền, nâng cao ý thức về tự bảo vệ sức khỏe cho mình, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế…

Trong thời gian tới, để đạt tăng trưởng xuất khẩu bền vững, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, Tiền Giang quan tâm phát triển nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách khá như dệt may, da giày, túi xách, thực phẩm và đồ uống. Tỉnh duy trì và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh địa phương: nông sản và thủy hải sản chế biến. Tỉnh cũng tích cực thu hút thêm các nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu vào nhóm ngành kỹ thuật như điện, điện tử, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Tiền Giang cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng như kịp thời cung cấp thông tin liên quan việc cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục