Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng dương nhờ sức mạnh tổng hợp

Cũng nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng Việt Nam đang như một điểm sáng khi là một trong số ít các quốc gia không có ca tử vong do dịch, tăng trưởng kinh tế duy trì mức dương 1,81%.
Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng dương nhờ sức mạnh tổng hợp ảnh 1Sản xuất giày da xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Nửa đầu năm 2020, nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự tấn công khốc liệt của dịch COVID-19.

Hàng loạt quốc gia đã phải đóng cửa để ngăn chặn dịch khiến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đứt gãy, nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất bị đóng băng. Các dự báo tăng trưởng kinh tế liên tục thay đổi theo cấp độ tiêu cực.

Cũng nằm trong vòng xoáy này nhưng Việt Nam đang như một điểm sáng khi là một trong số ít các quốc gia không có ca tử vong do dịch, tăng trưởng kinh tế duy trì mức dương 1,81%, nhận được niềm tin lớn của người dân cả nước và sự đánh giá cao của các quốc gia trên thế giới.

Đây được xem là dấu ấn tự hào của Việt Nam trên bản đồ “chống dịch COVID-19” từ sức mạnh của sự đoàn kết, trách nhiệm của toàn xã hội, sự linh hoạt, uyển chuyển; trong đó đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên vị trí hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị.

Sức mạnh niềm tin

Có thể nói, cơn bão dịch COVID-19 đã làm thay đổi các nhiệm vụ đặt ra ngay từ đầu năm tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và buộc Chính phủ phải có đối sách phù hợp. Đó là vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân; vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Với tinh thần này, ngay trong những ngày nhân dân cả nước còn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TT, ngày 28/1 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) - đánh dấu bước đi đầu tiên trong phòng chống dịch.

Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc "chống dịch như chống giặc."

Tiếp theo đó là một loạt các văn bản, quyết định đã được ban hành theo từng tình huống thực tế đất nước. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng; đồng thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt...

Tính đến ngày 29/6, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 74 không có ca lây nhiễm dịch COVID-19 ra cộng đồng và đang tái khởi động nền kinh tế trong "trạng thái bình thường mới."

[Infographics] Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm tăng 1,81%

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 1,81% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020; CPI bình quân tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng lên toàn cầu, kết quả này đã tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ.

Tập trung vào “5 mũi giáp công”

Để có được những con số kinh tế 6 tháng đáng kể trên, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc phòng chống đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

Việc này đã được thực tế kiểm chứng qua chỉ đạo của Chính phủ tại từng cuộc họp Thường trực, từng phiên họp thường kỳ Chính phủ kể từ khi dịch bệnh khởi phát cũng như xuất hiện tại Việt Nam.

Quyết định quan trọng đánh dấu rõ nét quyết tâm phải giữ được ổn định nền kinh tế đó là ngày 4/3/2020, khi cả nước vẫn dồn sức chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; trong đó khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện Chỉ thị này, các bộ ngành quyết liệt xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời nền kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 01) về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cũng nhanh chóng triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất (Nghị định 41).

Cũng trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, 3, đánh giá mặc dù dịch bệnh đã bước đầu được kiểm soát tốt, an sinh xã hội đảm bảo, nhưng hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn. Điều này đã hiển hiện ở các con số tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhìn lại thời điểm đó "tình hình rất bi đát" khi khảo sát, hơn 30% doanh nghiệp cho biết họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng; trên 50% doanh nghiệp không thể trụ nổi sau 6 tháng và chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng.

Một lần nữa, Chính phủ cùng hệ thống chính trị quyết không lùi bước trước tác động bất lợi của dịch bệnh đến đời sống xã hội và nền kinh tế.

Một loạt các buổi làm việc với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp điều hành 2 hội nghị trực tuyến quy mô toàn quốc là Hội nghị Thủ tướng với các địa phương và Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp ứng phó hiệu quả nhất.

Đặc biệt, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với quy mô 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước cùng theo dõi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp tập trung vào “5 mũi giáp công” gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với sức mua gần 100 triệu người.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế thiết thực, nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc ghi nhận dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng Chính phủ đã dành các gói tài khóa, tín dụng với quy mô chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng dương nhờ sức mạnh tổng hợp ảnh 2Sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng chống chịu trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng "bừng dậy" khi khảo sát đầu tháng 5 cho thấy đã có 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Yến, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Giữ vững mục tiêu kép

Tuy nhiên, trước dự báo tình hình thế giới, khu vực vẫn còn ảnh hưởng nặng nề và khó lường do dịch, trong khi Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vẫn quyết định chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội sẽ là áp lực lớn đối với sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ cũng quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất cần phải kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đó là tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua khó khăn, giảm thiểu tối đa việc phá sản hoặc bị các nước ngoài thâu tóm với giá rẻ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đủ sức tham gia chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội sau khi các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.

Việc Quốc hội mới đây biểu quyết thông qua Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, được xem là giải pháp linh hoạt hỗ trợ các đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn đang chiếm số đông và rất khó khăn do dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ Dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 với mức thuế bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện hành. Việc này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng cắt giảm lao động đối với ngành hàng không, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất để vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, các bộ ngành cần phải có biện pháp giải ngân đầu tư, ngoài ra có thể tính đến phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để lấy vốn, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách cho phát triển.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, Chính phủ hiện nay không cần vội chạy theo tăng trưởng mà tập trung vào điều hành để giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, giữ chân người lao động, không để doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm trong thời điểm này... Làm tốt điều này, khi đại dịch COVID-19 qua đi thì nền kinh tế sẽ có cơ hội nắm bắt sự phục hồi và tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục