Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt mới đối với tư liệu sản xuất của Mỹ đã "dậm chân tại chỗ" trong tháng 10/2018 trong khi xuất khẩu hàng thiết yếu chủ chốt tăng nhẹ, có thể làm giảm những dự đoán về chi tiêu mua sắm trang thiết bị của giới doanh nghiệp gia tăng trong quý 4/2018.
Trước đó, số đơn hàng thiết yếu chủ chốt của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 9/2018.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng giá trị số đơn mua hàng lâu bền đã giảm 4,4% xuống còn 248,5 tỷ USD trong tháng 10/2018, tháng giảm thứ ba trong bốn tháng qua. Đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Trong một báo cáo khác công bố 21/11, Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà ở hiện có ở Mỹ tăng 1,4% lên mức đã điều chỉnh theo mùa 5,22 triệu căn trong tháng 10/2018.
[Sức khỏe nền kinh tế Mỹ tốt nhưng không thực sự màu "hồng"]
Nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của NAR nhận định sau sáu tháng giảm doanh số bán nhà liên tiếp, người mua cuối cùng đã quay trở lại thị trường nhà đất Mỹ với doanh số tăng ở khu vực Đông Bắc, miền Nam và miền Tây.
Tuy vậy, doanh số nhà đất ở Mỹ trong tháng 10/2018 đã giảm 5,1% so với tháng 10/2017, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2014. Báo cáo này công bố sau khi số liệu thông báo ngày 20/11 cho thấy số nhà đơn lập được xây dựng trong tháng 10/2018 ở Mỹ đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, một báo cáo thứ ba công bố ngày 21/11 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/11 đã tăng 3.000 lên mức đã điều chỉnh theo mùa 224.000, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2018. Số viêc làm mới tạo ra ở Mỹ trong tháng 10/2018 đã tăng thêm 250.000 với tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở gần mức thấp nhất trong 49 năm qua (3,7%).
Một loạt số liệu kinh tế kém thuận lợi, thị trường chứng khoán trải qua đợt bán ra mạnh và những dấu hiệu về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể tạo sức ép đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các quan chức Fed mới đây đã bắt đầu đề cập tới những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Fed dự kiến tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay vào tháng 12 tới.
Chi tiêu mua sắm trang thiết bị khá “èo uột” của giới doanh nghiệp ở Mỹ cùng với thị trường nhà đất lình xình có thể làm dấy lên những quan ngại về việc lãi suất tăng tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Chris Rupkey của MUFG cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã trải qua thời kỳ tăng trưởng tốt nhất và đầu tư doanh nghiệp trong thời gian sắp tới có thể sẽ giảm tốc.
Còn theo nhà kinh tế cao cấp Jennifer Lee của BMO Capital Markets ở Toronto, dường như các doanh nghiệp ngày càng quan ngại hơn về tăng trưởng kinh tế Mỹ và tác động tiêu cực tới những xung đột thương mại và quan hệ thương mại tương lai nên họ có thể thận trọng hơn trong việc tăng cường hoạt động đầu tư./.