Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, số người từ 65 tuổi trở lên đạt mức cao kỷ lục, lên tới 34,61 triệu người tính đến năm 2016, chiếm tới 27% dân số.
Cơ cấu dân số già đã kéo theo nhiều vấn đề tác động đến kinh tế trong đó đáng chú ý là thiếu nhà dưỡng lão, thiếu người chăm sóc dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động.
Chính vì vậy, chính sách Abenomics giai đoạn hai của Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt trọng tâm vào vấn đề an sinh xã hội. Trong đó chủ trương cải thiện các dịch vụ chăm sóc tại các nhà dưỡng lão nhằm tăng hiệu quả chất lượng của dịch vụ.
Mục tiêu của chủ trương này là thu hút thêm người già đến các nhà dưỡng lão, giúp giảm bớt những người trong độ tuổi lao động phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc người thân già yếu.
Trong xu thế này, Kohoen, hệ thống chuyên chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ lão khoa, đã nổi lên với là một trong những nhà dưỡng lão đi tiên phong trong việc áp dụng các cải tiến để xây dựng được hệ thống chăm sóc y tế chất lượng dành cho những người cao tuổi.
Kohoen điều hành hơn 120 điểm các nhà dưỡng lão và chăm sóc y tế tại nhiều thành phố như Sakimoto, Yonago và Tokyo, với doanh số hàng năm là 12 tỷ yen.
Kỹ thuật tiên tiến
Nổi tiếng với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tiện lợi trong dịch vụ chăm sóc lão khoa, Kohoen đã giành giải thưởng chất lượng dịch vụ cao của Nhật Bản.
Một trong những ứng dụng đặc biệt tại Kohoen là sử dụng thiết bị Yuririn, thiết bị đo lượng nước tiểu trong bàng quang được gắn với cơ thể của người bệnh.
Nhờ thiết bị này, các nhân viên chăm sóc có thể theo dõi để nhắc người bệnh chủ động đi vệ sinh khi thay vì phụ thuộc vào ống xông hay tã lót.
Tại nhà dưỡng lão Kohoen ở Yonago, tỉnh Tottori, các nhân viên còn áp dụng chế độ theo dõi tình trạng của bệnh nhân, theo đó, mỗi ngày sẽ nhập thông tin về các hoạt động liên quan tình trạng sức khỏe của bệnh nhân như ăn, ngủ, giao tiếp…
Sau khi phân tích số liệu, máy sẽ đưa ra kết luận về sức khỏe bệnh nhân chia theo năm cấp độ từ rất tốt cho đến rất xấu.
Ngoài ra, Yonago Kohoen dự kiến sẽ ứng dụng một hệ thống trên điện thoại thông minh ghi nhận các ý kiến phản hồi của người sử dụng về chất lượng của dịch vụ chăm sóc, nhằm giúp cho người bệnh và nhân viên chăm sóc có sự trao đổi hiệu quả về các loại hình dịch vụ chăm sóc.
Ban lãnh đạo của Kohoen tin rằng việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp ích cho việc đào tạo nhân viên cũng như hạn chế việc các điều dưỡng viên bỏ việc.
Trước đó, giới chức Nhật Bản thừa nhận chăm sóc lão khoa là một trong những ngành thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao tại Nhật Bản.
Con người
Yonago Kohoen có khoảng 60 nhân viên, chăm sóc 80 người già với độ tuổi trung bình là 85 tuổi. Đây là một công việc rất vất vả.
Thế nhưng khác với những gì đã hình dung, khi đến Yonago Kohoen, trước mắt tôi là khung cảnh đầm ấm trong một buổi trà chiều tại không gian sinh hoạt chung của nhà dưỡng lão.
Những thanh niên trong bộ đồng phục của Yonago Kohoen đang tận tình chăm sóc hoặc vui vẻ trò chuyện với các cụ già. Những nụ cười hồn hậu, những ánh mắt thân thiện và sự chăm sóc ân cần, đó là hình ảnh thường thấy tại những nhà dưỡng lão trong hệ thống Kohoen.
Đối với những nhân viên trẻ, vất vả trong công việc không làm họ nản lòng. Chị Miwa Tomoko nói rằng được nhìn thấy khuôn mặt vui tươi của các cụ già là niềm vui lớn nhất trong công việc.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN, một nhân viên tâm sự hàng ngày được chăm sóc, trò chuyện cùng các cụ, được cùng trải qua những thay đổi hàng ngày trong cuộc sống là trải nghiệm có ý nghĩa trong cuộc sống vì vậy anh yêu công việc của mình.
Quan hệ giữa nhân viên với những bệnh nhân sử dụng dịch vụ được Kohoen xây dựng thành công thức nhân viên đáp ứng những mong muốn của bệnh nhân để thực hiện các dịch vụ chăm sóc sau đó nhận phản hồi từ các bệnh nhân để hoàn thiện dịch vụ của mình.
Đây cũng được coi là quá trình đào tạo thực tiễn cho nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Có thể nói song song với việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ, Kohoen chú trọng đến phát triển một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và chất lượng trong dịch vụ chăm sóc lão khoa. Với tính chất công việc vất vả, để trụ vững với nghề là một thách thức lớn với các nhân viên tại Kohoen.
Tuy nhiên, với nhân viên Kohoen, xây dựng một không gian sống đầm ấm, mang tính gia đình đã giúp họ cảm nhận được ý nghĩa lớn lao, khiến họ cảm thấy hạnh phúc và gắn bó với công việc.
Và đó cũng chính là phương châm của Kohoen, trở thành một nhà dưỡng lão được cộng đồng tin cậy và yêu mến./.