Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV, có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 22/7, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Duy trì, kiện toàn mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Việc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gắn với thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện đã khắc phục cơ bản sự chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng nhất để tiếp tục duy trì và kiện toàn mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng tiếp tục được hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

[Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Xem xét nhiều báo cáo quan trọng]

Trong các lĩnh vực có sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan, Chính phủ đã phân công rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thoa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Cùng với đó, cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn, bước đầu tinh gọn; các tổ chức ngành dọc như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, thống kê, thi hành án dân sự,... được tổ chức quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã chủ động đề xuất với Quốc hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.

Cùng với việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quyết tâm thực hiện việc đổi mới phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phối hợp và tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử,...

Điều này đã tạo sự bứt phá trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam; nâng cao tính minh bạch và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ, thực hiện tốt một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân.

“Thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua có thể khẳng định, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV như khóa XIII đã tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò hiến định của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; tập trung hơn vào nhiệm vụ quản lý, điều hành vĩ mô theo quy định của pháp luật và kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ được bổ sung, hoàn thiện; tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ từng bước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính," Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Từ các vấn đề nêu trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV, có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật nhận thấy phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV đã được Chính phủ khóa XIV chuẩn bị kỹ lưỡng.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự phiên họp sáng 22/7. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đánh giá về những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong Tờ trình của Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ tuy là giữ ổn định từ nhiệm kỳ khóa XII, nhưng trong nhiệm kỳ khóa XIV, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cả về quy mô, phạm vi quản lý để bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp tinh gọn; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương cơ bản hợp lý hơn; nhiều nội dung quản lý nhà nước có sự chồng chéo, trùng lặp, giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ đã được khắc phục, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ.

Về phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép.”

Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ quan tâm xây dựng lộ trình tiếp tục thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó, có yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính,” “tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới...”

Việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin-cho,” đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền.

Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để; đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục