Kỷ nguyên “gạo rẻ” của các nước châu Á đã kết thúc

Giá gạo tăng là do chi phí sản xuất đang tăng, chi phí nhân công cao hơn, chi phí nhiên liệu và phân bón đắt đỏ hơn và động thái tăng cường dự trữ gạo của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.

Việc Chính phủ Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến năm 2011 và chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ Thái Lan đã làm chệch hướng dòng ngũ cốc, khiến dự trữ gạo ngày càng tăng, trong khi lượng gạo xuất khẩu lại giảm. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu một lượng gạo đáng kể từ Việt Nam trong hai năm qua.
Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) - cơ quan nghiên cứu của Anh - vừa khẳng định kỷ nguyên “gạo rẻ” kéo dài nhiều thập niên qua có thể đã kết thúc.

Tuy nhiên, đây dường như là thông tin tốt cho người nông dân.

Trong báo cáo công bố ngày 15/8, ODI cho biết từ đầu những năm 1970 đến đầu những năm 2000, giá gạo đã giảm xuống nhờ những tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2012, giá gạo đã bắt đầu tăng và chưa bao giờ quay trở về mức giá trước đây sau khi tăng vọt trong giai đoạn khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008 - thời điểm giá gạo trên thị trường thế giới tăng gấp 3 lần.

Vào đầu năm 2013, giá gạo leo lên mức đỉnh 550 USD/tấn, gấp đôi mức giá hồi năm 2000.

Báo cáo trên cho rằng giá gạo tăng là do chi phí sản xuất đang tăng, chi phí nhân công cao hơn, chi phí nhiên liệu và phân bón đắt đỏ hơn và động thái tăng cường dự trữ gạo của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.

Việc Chính phủ Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến năm 2011 và chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ Thái Lan đã làm chệch hướng dòng ngũ cốc, khiến dự trữ gạo ngày càng tăng, trong khi lượng gạo xuất khẩu lại giảm.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu một lượng gạo đáng kể từ Việt Nam trong hai năm qua.

Theo các số liệu năm 2008 mà ODI trích dẫn, khoảng 1,3 tỷ trong số những người nghèo ở châu Á sống phụ thuộc vào nghề nông.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi tại châu lục này, nhất là ở Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt lao động có thể đang nổi lên do đô thị hóa và sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo đang lôi kéo một bộ phận nông dân bỏ nghề nông.

Trong 5 năm trở lại đây, tiền công đối với các lao động nông nghiệp ở Ấn Độ đã tăng lên khoảng 1/3.

ODI nhận định mặc dù giá gạo tăng cao sẽ tác động xấu đến người tiêu dùng nghèo ở khu vực thành thị, nhất là tại nhiều vùng ở châu Phi, nơi vẫn phải nhập khẩu gạo từ châu Á, nhưng tiền công tăng có thể giúp nhiều lao động nông nghiệp ở châu Á thoát khỏi đói nghèo.

Ông Kevin Watkins, Giám đốc ODI, nói: “Hàng triệu người lao động trong ngành nông nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ tiền công tăng cao và điều này có thể sẽ giúp ích cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình nghèo sẽ phải đối mặt với các hóa đơn thực phẩm cao hơn và các nước tại châu Phi sẽ phải nhập khẩu gạo với chi phí đắt đỏ hơn.”

Theo ODI, trong bối cảnh giá gạo tại châu Á tăng, nhiều nơi ở Mỹ Latinh và châu Phi có thể sẽ phải đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng cả nhu cầu trong nước và thế giới./.

Minh Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục