Kỷ niệm 25 năm cuộc tuần hành chống tư tưởng bài ngoại tại Đức

Tròn 25 năm về trước, vào đêm ngày Thánh Nicholas, ước tính 400.000 người đã có mặt ở trung tâm Munich, bang Bayern, thắp sáng đường phố bằng những ngọn nến, đuốc và đèn lồng.
Kỷ niệm 25 năm cuộc tuần hành chống tư tưởng bài ngoại tại Đức ảnh 1Khoảng 400.000 người đã thắp sáng các đường phố Munich bằng nến, đuốc và đèn lồng. (Nguồn: dpa/Die Welt)

Tối 6/12/1992, khoảng 400.000 người đã tuần hành ở thành phố Munich để chống lại các tư tưởng và hành động bài ngoại tại Đức.

Tròn 25 năm về trước, vào đêm ngày Thánh Nicholas, ước tính 400.000 người đã có mặt ở trung tâm Munich, bang Bayern, thắp sáng đường phố bằng những ngọn nến, đuốc và đèn lồng. Họ đã cùng nhau cất lên tiếng nói chống lại tư tưởng bài xích người nước ngoài đang dâng cao ở Đức thời đó.

Số lượng người tham gia đã vượt xa mong đợi của những người tổ chức, khi họ chỉ kỳ vọng thu hút được khoảng 100.000 người. Sự kiện được gọi với cái tên rất đẹp, "Ánh đèn cổ tích Munich," đã gây ấn tượng mạnh trên toàn thế giới.

Vào thời điểm đó, khi nước Đức vừa thống nhất chưa lâu, các cuộc chiến ở vùng Balkan khiến hàng trăm nghìn người phải chạy trốn khỏi Nam Tư sang Đức. Các trại tị nạn đông kín người, và các vụ tấn công mang màu sắc phân biệt chủng tộc cũng tăng chóng mặt.

Tháng 9/1991, ở Hoyerswerda thuộc bang Niedersachsen, các vụ phân biệt chủng tộc, tấn công nhằm vào các trại tị nạn gây ra ám ảnh kinh hoàng. Những kẻ tấn công sử dụng gạch đá, thiết bị nổ... và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người đang hô to khẩu hiệu "người nước ngoài hãy cút đi," trong khi cảnh sát không kiểm soát được tình hình.

Không lâu sau đó, vụ tấn công trại tị nạn Rostock-Lichtenhagen ở bang Mecklenburg-Vorpommern, nơi chủ yếu là người Việt Nam sinh sống, lại khiến không chỉ nước Đức mà cả thế giới đều bị sốc. Hàng nghìn người cổ vũ còn cảnh sát bất lực. Rồi tiếp đến là vụ tấn công mang màu sắc phát-xít nhằm vào một gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ khiến ba nạn nhân thiệt mạng ở bang Schleswig-Holstein...

"Đó là một bầu không khí cởi mở đối với người nước ngoài" - Peter Probst, một thành viên của nhóm tổ chức cuộc hành tại Munich 25 năm về trước, nhớ lại sự kiện lịch sử ở Munich. Ông cùng với những người bạn khác, trong đó có Giovanni di Lorenzo, hiện là Tổng biên tập của tuần báo Die Zeit, và nhà sản xuất phim kiêm Giám đốc điều hành của Babelsberg Studios, Christoph Fisser.


[Chính phủ Đức kiên quyết chống tư tưởng cực hữu, bài ngoại]

Ý tưởng tổ chức cuộc tuần hành đã được ủng hộ rộng rãi, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng, dù lúc đó không có các phương tiện truyền thông xã hội, không điện thoại di động và cũng không có Internet. Chỉ bằng các cuộc gọi và fax, trong ba tháng các nhà tổ chức đã vận động được 400.000 người tham gia.

Bản thân ông Giovanni di Lorenzo đã tự bỏ tiền để thuê chiếc trực thăng nhằm chụp lại bức ảnh khi mọi người tham gia thắp nến, đốt đuốc và bật đèn lồng trên đường phố Munich. Khi máy bay hạ cánh, bức ảnh này trở thành mối quan tâm lớn của các hãng truyền thông trên thế giới.

Cuộc tuần hành không bạo lực này đã mở ra những cuộc tuần hành, biểu tình tương tự trên khắp nước Đức, làm thay đổi tình hình và mang lại bầu không khí thân thiện hơn với những người nước ngoài.

Giờ đây, khi làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào Đức trong ba năm qua, các hành động cực đoan đang gia tăng trở lại. Năm 2016, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp đã thống kê có 1.600 vụ việc liên quan đến tấn công người nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Kỷ niệm 25 năm cuộc tuần hành ở Munich là cách để người Đức nhắc nhớ về những gì xảy ra trong quá khứ và cách họ mà đã hành động để mang lại bầu không khí yên bình, thân thiện cho người nước ngoài nói riêng, xã hội Đức nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục