Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam

Hội đã có những đóng góp tích cực cho việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là giới thiệu với người dân Thụy Sĩ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đổi mới.
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam ảnh 1Đại sứ Phùng Thế Long phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Ngày 26/11, tại Zurich, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1982-2022) với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ; Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, đại diện Hội Người Việt Nam tại Thụy Sĩ cùng đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè Thụy Sĩ.

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long đã điểm lại những đóng góp trong suốt 40 năm qua của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam. Các dự án của Hội tại Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2021 vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Thụy Sĩ đều ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội, những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển quan hệ, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Phùng Thế Long mong muốn Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam ngày càng phát triển, các hoạt động của Hội ngày càng thu hút thêm nhiều người dân ở nhiều bang khác nhau của Thụy Sĩ tham gia. Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn đồng hành cùng Hội, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam ảnh 2Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Thay mặt các cán bộ ngoại giao Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Lê Thị Tuyết Mai đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và lời cảm ơn chân thành tới các thành viên của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam.

Qua các thế hệ trong suốt 40 năm qua, Hội đã có những đóng góp tích cực cho việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là giới thiệu với người dân Thụy Sĩ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đổi mới.

Hội cũng đã có nhiều đóng góp trong việc kết nối tình hữu nghị, nâng cao hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam tại Thụy Sĩ, dạy tiếng Việt, thúc đẩy quan hệ nhân dân hai nước, nhất là giữa các thế hệ trẻ, đồng thời đã có những hoạt động thiết thực gây quỹ giúp đỡ cho những người nghèo ở những địa phương gặp khó khăn.

Chặng đường 40 năm từ 1982-2022 là một quá trình tương đối dài. Cái gạch nối giữa hai con số hàm chứa vô số đóng góp của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, của các thành viên, của Ban Chấp hành, những đóng góp đậm tình, đậm nghĩa của các bạn Thụy Sĩ đối với một dân tộc ở cách xa hàng chục nghìn cây số.

[Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam chia sẻ ấn tượng về Bác Hồ]

Ban Chấp hành Hội dưới sự điều hành của bà Anjuska Weil đã bền bỉ hoạt động tham gia các tổ chức hòa bình, bênh vực quyền lợi của Việt Nam, trợ giúp rất nhiều người Việt Nam gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, trong đó có người cao tuổi, các bệnh nhân phong cùi và các nạn nhân chất độc da cam/dioxine, thực hiện nhiều chuyến tham quan tới nhiều địa danh trên dải đất hình chữ S, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người nơi đây.

Ở tuổi đã ngoài 70, bà Anjuska Weil vẫn dẫn đầu một nhóm những người bạn Thụy Sĩ quan tâm tới Việt Nam, thực hiện những chuyến du lịch văn hóa để những người bạn Thụy Sĩ tìm hiểu về Việt Nam trên nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa, xã hội, nhân lên sự hiểu biết và tình cảm của nhiều người Thụy Sĩ đối với Việt Nam, từ đó tiếp nối những hoạt động thiện nguyện hướng tới những hoàn cảnh cần giúp đỡ tại Việt Nam.

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam ảnh 3Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Điểm lại những dấu ấn của Hội với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam cho biết Hội đã đồng hành cùng sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong suốt những năm qua. Trao đổi-thông tin-thấu hiểu là sợi chỉ xuyên suốt trong hoạt động của Hội và sẽ còn tiếp tục như vậy trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển hóa tình đoàn kết thành hành động cụ thể dựa trên cơ sở này.

Bà Weil nhấn mạnh: "Chúng tôi đang làm như vậy và sẽ tiếp tục làm như vậy, cùng với thế hệ thành viên mới cũng như với các tổ chức đối tác."

Bà Weil bày tỏ tự hào về ngôi trường Bình Minh được thành lập cách đây 5 năm tại Zurich. Trường dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho con em cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Kể từ khi thành lập, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam đã có ấn phẩm "Hòa bình." Đây là tạp chí của Hội với các bài viết về Biển Đông và vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Trong những năm gần đây, vào mỗi thứ Bảy cuối cùng của tháng 11, Hội còn tổ chức sự kiện đoàn kết cùng với cộng đồng người Việt. Từ hơn 30 năm qua, cùng với các tổ chức khác, Hội tham gia hoạt động đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, tổ chức triển lãm, gian hàng thông tin và nhiều hơn nữa.

Dự án “tín dụng vi mô cho người cao tuổi” của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam đã được thực hiện từ năm 2005 với sự hợp tác của Hội Người cao tuổi Huế. Cho đến nay có hơn 3.200 người thụ hưởng.

Theo bà Weil, Hội hướng tới người cao tuổi là vì họ là những người đã phải trải qua chiến tranh và thời kỳ gian khổ sau đó. Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam có nguồn gốc từ phong trào nhân dân Thụy Sĩ đoàn kết với Việt Nam nhằm phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam ảnh 4Chương trình văn nghệ của thiếu nhi và học sinh trường Bình Minh. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ về chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10 vừa qua cùng với bà Anita Escher - điều phối viên dự án viện trợ Medico International Switzerland, bà Weil cho biết thực sự vui mừng được trở lại Việt Nam sau chuyến thăm gần nhất của bà cách đây 3 năm. Bà rất ấn tượng về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhiều người dân khó khăn hơn, nhất là những người làm việc trong các khu vực phi chính thức, những người kiếm sống bằng buôn bán sản phẩm nhỏ cho khách du lịch. Bà Weil hy vọng rằng sau nền kinh tế vĩ mô, thu nhập của bộ phận người nghèo hơn trong xã hội sẽ phục hồi.

Buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm với nhiều chương trình phong phú, đa dạng như các tiết mục ca hát và múa rối của các bé thiếu nhi và học sinh trường Bình Minh, màn biểu diễn của các em Học viện võ thuật Wushu từ Baar/Zug, đấu giá tranh của họa sỹ Nguyễn Trung Sơn và nhiều đóng góp văn nghệ khác của cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục